Cập nhật tình COVID-19: Mỹ vẫn là tâm dịch, EU ra gói cứu trợ

Cập nhật tình hình COVID-19: Mỹ vẫn là tâm dịch, EU ra gói cứu trợ

Tính đến 7h30 sáng Việt Nam ngày 24/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 190.422 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng Việt Nam ngày 24/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 190.422 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân đã phục hồi là 745.045 người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 879.430 ca nhiễm và 49.769 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 213.024 ca nhiễm và 22.157 ca tử vong, Italy với 189.973 ca nhiễm và 25.549 ca tử vong, Pháp với 158.183 ca nhiễm và 21.856 ca tử vong, Đức với 153.129 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong.

Tại Mỹ, Hạ viện đã thông qua dự luật cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, cũng như tăng cường xét nghiệm, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng đại dịch này lên tới gần 3.000 tỷ USD.

Dự luật thứ 4 này sẽ hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế do đại dịch khiến 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần qua, cũng như thúc đẩy việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2, một yếu tố quan trọng quyết định việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Mỹ.

Chính quyền bang New York cho hay hơn 20% trong tổng số 3.000 người dân được chọn ngẫu nhiên xét nghiệm kháng thể trong tuần này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nếu con số phản ánh đúng tình hình dịch bệnh tại đây, điều này có nghĩa rằng hơn 1,7 triệu người ở thành phố New York và 2,6 triệu người trên toàn bang đã nhiễm bệnh. Trong 24 giờ qua, New York đã ghi nhận 438 ca tử vong, giảm 36 ca so với ngày hôm trước.

Tại Brazil, Bộ Y tế ghi nhận thêm 407 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.313 người. Số ca dương tính đã tăng thêm 3.735 ca lên 49.492 ca.

Tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich cho biết đây là số ca tử vong kỷ lục được ghi nhận trong một ngày, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua có thêm 99 ca tử vong và 1.089 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lên lần lượt là 1.069 ca và 11.633 ca. Hiện dịch COVID-19 đã bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) tại Mexico.

Nhằm ngăn chặn lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, đồng thời khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.

[Dịch COVID-19 tại châu Âu: Bỉ và Tây Ban Nha thêm nhiều ca nhiễm]

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ euro (581 tỷ USD) để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Gói tài chính này sẽ sẵn sàng trước ngày 1/6.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết số ca nhiễm đã tăng thêm 3.116 ca lên 101.790 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 115 ca lên 2.491 ca.

Lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/4 tại 31 thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul, sẽ kéo dài đến nửa đêm 26/4. Đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Tại Ai Cập, Bộ Y tế thông báo nước này đã phát hiện thêm 232 ca nhiễm, số ca nhiễm mới được ghi nhận cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này đã lên đến 3.891 người. Cũng theo bộ trên, tổng số ca tử vong hiện là 287 người, sau khi ghi nhận thêm 11 ca tử vong trong ngày 23/4.

Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng. Cụ thể, Nam Phi sẽ nới lỏng một số hạn chế, trong đó sẽ hạ từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1/5. Chính phủ sẽ cho phép một số ngành nghề kinh tế thiết yếu hoạt động trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh phòng dịch nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng lây lan.

Tại Algeria, sau khi có sự đồng ý của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune, Thủ tướng Abdelaziz Djerad đã ký quyết định nới lỏng thời gian phong tỏa trên lãnh thổ, tính từ ngày đầu tiên của tháng Ramadan là ngày 24/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục