CAPA:Hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản vào cuối 2020

CAPA: COVID-19 sẽ làm hầu hết hãng hàng không phá sản vào cuối 2020

Dịch COVID-19 gây ra một hỗn hợp độc hại với sức khỏe ngành hàng không gồm các lệnh hạn chế đi lại, tâm lý lo ngại bao trùm các nhà đầu tư, nhu cầu đi lại giảm buộc các hãng phải cắt chuyến bay....
CAPA: COVID-19 sẽ làm hầu hết hãng hàng không phá sản vào cuối 2020 ảnh 1Máy bay của hãng hàng không JetBlue tại sân bay Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới đối mặt mối đe dọa hiện hữu "chưa từng có" vì các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu, đẩy các chính phủ đứng trước những quyết định đầy tranh cãi và tốn kém về việc nên cứu trợ hãng nào.

Dịch COVID-19 gây ra một hỗn hợp độc hại với sức khỏe ngành hàng không gồm các lệnh hạn chế đi lại và tâm lý lo ngại bao trùm các nhà đầu tư, nhu cầu đi lại giảm buộc các hãng phải cắt giảm phần lớn tần suất các chuyến bay cũng như đầu tư thêm nhiều chi phí cho việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa virus.

Hãng hàng không Flybe của Anh là quân bài domino đầu tiên đổ gục sau "cú đập" của COVID-19 và dự đoán sẽ còn những hãng hàng không khác tiếp tục đứng trước bờ vực phá sản nếu tình hình không sớm được cải thiện.

Theo dự đoán sát của công ty khảo sát thị trường CAPA, tới cuối năm 2020, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản.

Ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh cấm đi lại xuyên Đại Tây Dương, Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) đã ước tính cuộc khủng hoảng có thể khiến ngành này thiệt hại 113 tỷ USD, tương đương gần 20% doanh thu của năm. Nhưng con số thiệt hại ước tính tại thời điểm này được cho là sẽ cao hơn rất nhiều.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng không Brendan Sobie tại Singapore cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành hàng không sẽ nghiêm trọng hơn cả dịch SARS hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ai chắc chắn dịch sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động tới mức nào.

Việc các hãng hàng không có thể làm hiện nay là tìm cách giảm chi phí và củng cố khả năng chống đỡ khủng hoảng nhiều nhất có thể như cắt giảm nhân viên, cắt giảm các lộ trình bay, tái đàm phán các hợp đồng với nhà cung cấp và vận hành những loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm chi phí hơn.

Hãng hàng không Qantas của Australia đã giảm 90% tần suất các chuyến bay và 60% các lịch trình bay nội địa. Tương tự, Bristish Airways cũng cắt giảm 75% tần suất bay. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM dự định cắt giảm 2.000 việc làm, Lufthansa hoãn trả cổ tức...

[IATA: Các hãng hàng không cần biện pháp khẩn cấp để vượt khủng hoảng]

Trong một thông báo nội bộ, Malaysia Airlines thừa nhận công ty đang trong giai đoạn "cực kỳ khó khăn" và cũng giống như nhiều hãng hàng không khác, hãng đang đứng trước nguy cơ phá sản đồng thời kêu gọi nhân viên tự nguyện nghỉ không lương.

Nhiều hãng hàng không bắt đầu nghĩ đến phương án xin cứu trợ của chính phủ. Các hãng hàng không Anh được cho là đã đề nghị gói cứu trợ chính phủ hơn 9 tỷ USD. Hiệp hội thương mại hàng không Mỹ cũng kêu gọi gói cứu trợ chính phủ trị giá 50 tỷ USD.

Các chính phủ cũng khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi dịch bệnh tác động tới hầu hết các ngành kinh tế thì các chính phủ cũng phải đau đầu lựa chọn đâu là ngành cần ưu tiên.

Giới chuyên gia nhận định ngành hàng không có khả năng cao được giải cứu trước tiên vì đây là ngành đầu tiên "ngấm đòn" COVID-19 và đây cũng là ngành đóng vai trò quan trọng khi vận mệnh của ngành này gắn liền với nhiều ngành kinh tế quan trọng khác như du lịch, thương mại, và sản xuất máy bay

Ngành du lịch toàn cầu cũng trải qua cảnh "ảm đạm" tương tự. Công ty tư vấn Tourism Economics, thuộc hãng phân tích Oxford Economics mới đây đưa ra dự báo doanh thu ngành du lịch thế giới năm 2020 sẽ giảm 10,5% so với năm 2019 trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang reo rắc bất ổn trong lĩnh vực du lịch và giải trí.

Dù đây đã được coi là mức giảm kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch nhưng Tourism Economics cũng không ngoại trừ khả năng doanh thu của ngành này thậm chí có thể sẽ sụt giảm tới 17,9% trong năm 2020 nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mức dự báo mới của Tourism Economics đánh dấu ước tính bi quan hơn rất nhiều so với ước tính mà chính công ty này đưa ra chỉ hai tuần trước. Khi đó, Tourism Economics dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ giảm khoảng 1,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục