Cape Town tạc nên bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới

Bên bến cảng Cape Town, bảo tàng lớn nhất thế giới trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ khắp châu lục này hiện đang được chạm khắc từ những ống bêtông.
Cape Town tạc nên bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới ảnh 1Bản thiết kế bảo tàng Zeitz. (Nguồn: artnet.com)

Bên bến cảng Cape Town, đầu mũi phía nam của châu Phi, bảo tàng lớn nhất thế giới trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ khắp châu lục này hiện đang được chạm khắc từ những ống bêtông kết nối với nhau có chiều cao tới 9 tầng nhà.

Dự án trị giá 50 triệu USD nhằm biến 42 ống silo đựng ngũ cốc làm bằng bê tông không còn được sử dụng nữa thành một công trình tối tân tôn vinh sức sáng tạo của các nghệ sỹ châu Phi hiện đang được thực hiện bởi một đội ngũ các chuyên gia nghệ thuật và kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới.

Đối với Mark Coetzee, giám đốc điều hành và phụ trách chính của bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi Đương đại Zeitz, dự án này còn có một ý nghĩa đặc biệt: vị cựu giám đốc bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của gia đình Rubell ở Miami, Mỹ này đang hoàn thành một lời hứa mà anh đã tự hứa với mình 25 năm về trước.

“Ước mơ lớn của đời tôi là xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở châu Phi,” người con mảnh đất Nam Phi chia sẻ. “Khi tôi rời khỏi Cape Town 25 năm về trước, tôi đã thề sẽ chỉ trở lại khi đã có đủ kỹ năng và các mối quan hệ để có thể biến điều này thành hiện thực.”

Đối với kiến trúc sư người Anh Thomas Heatherwick, người đã nhiều dự án quốc tế trong đó có chiếc vạc đuốc Olympic London 2012, đây là một thử thách lý thú.

“Bạn sẽ biến 42 chiếc ống bêtông lớn thành một nơi trưng bày nghệ thuật đương đại như thế nào?” Heatherwick nói. “Chúng tôi có thể ‘chiến đấu’ với một tòa nhà làm bằng ống bêtông, hoặc có thể tận dụng những chiếc ống đó.”

Các nhà thiết kế cho biết, một mảng hình elip sẽ được khoét ra khỏi phần trung tâm của tòa nhà cao 9 tầng này nhằm tạo ra một khán phòng lớn, tràn ngập ánh sáng được chiếu xuống từ phần mái bằng kính bên trên.

Một số ống bêtông sẽ được khoét ở khu vực tầng trệt để sử dụng như những khu vực trưng bày, số còn lại sẽ được sử dụng làm ống thang máy.

Thật khó có thể tưởng tượng được khung cảnh mà các nhà thiết kế đã miêu tả khi tới thăm công trường xây dựng tại cảng Victoria and Alfred, nơi mà các công nhân - trông nhỏ xíu như những chú kiến so với các ống bê tông lớn màu ghi ảm đạm - đang chăm chỉ làm việc trong giai đoạn đầu của dự án nhằm kịp tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, bản vẽ của các nhà thiết kế đã phác họa nên một sự biến đổi kỳ diệu - tòa nhà trong thiết kế xứng đáng là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của toàn châu Phi - nơi đang thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.

“Nghệ thuật hình ảnh đến từ châu Phi hiện đang ngày càng được quan tâm bởi cộng đồng nghệ thuật,” Coetzee chia sẻ.

“Thị trường đang phát triển mạnh, các nghệ sỹ đến từ châu Phi hiện đang có tác phẩm trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm lớn, các nhà sưu tầm và quản lý các phòng tranh cũng đang nhắm tới nhiều nghệ sỹ tới từ châu Phi.”

Tên của bảo tàng được đặt theo tên của doanh nhân người Đức, cựu chủ tịch Puma, ông Jochen Zeitz. Bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật châu Phi của ông sẽ được trưng bày thường xuyên tại bảo tàng.

Ông đã cam kết rằng bộ sưu tập sẽ được trưng bày tại bảo tàng vĩnh viễn, và sẽ bảo lãnh các chi phí hoạt động, cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc mua mới các tác phẩm nghệ thuật khác.

Cape Town tạc nên bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới ảnh 2

Bộ sưu tập Zeitz đã được bắt đầu từ năm 2002 và là “một trong những bộ sưu tập điển hình nhất của nghệ thuật đương đại châu Phi,” theo lời Coetzee.

Hiện tại, bộ sưu tập đang được lưu giữ và trưng bày tại Thụy Six, Tây Ban Nha, Nam Phi, Mỹ và Kenya.

Ngoài bộ sưu tập này, 80 phòng trưng bày của bảo tàng sẽ tổ chức các cuộc triển lãm ngắn ngày khác. Bảo tàng sẽ tập trung vào giai đoạn thế kỷ 21 với chính sách sưu tầm các tác phẩm được sáng tác sau năm 2000.

“Tôi nghĩ rằng sau khi hoàn thành, bảo tàng sẽ trở thành bảo tàng lớn nhất châu Phi và trên thế giới tập trung vào mảng nghệ thuật đương đại đến từ châu Phi,” Coetzee cho biết.

Ngoài ra, một trung tâm đào tạo cho học sinh, một trung tâm khác dành cho các nhà quản lý nghệ thuật trẻ, các cơ sở vật chất cơ bản của một bảo tàng như các nhà hàng và hiệu sách cũng sẽ được xây dựng.

Một khán phòng ngoài trời tại quảng trường bên ngoài bảo tàng sẽ là nơi tổ chức các sự kiện và các buổi biểu diễn. Khu vườn trên mái bảo tàng sẽ mang tới cho khách tham quan một khung cảnh có một không hai: toàn bộ quang cảnh Cape Town cho tới tận khu vực núi Table nổi tiếng của thành phố.

Cảng Victoria and Alfred là một khu vực bao gồm nhiều nhà hàng và các cửa hàng sầm uất, cùng với đó là khu bến phà tới đảo Robben, nơi biểu tượng giải phóng Nelson Mandela từng bị giam giữ.

Cape Town là một tiền đồn quốc tế của lục địa châu Phi, nơi mà sự pha trộn đa sắc tộc trên đường phố tượng trưng cho sự thay đổi ở Nam Phi từ những năm áp bức của chủ nghĩa apartheid.

Và tại một đất nước nơi mọi thứ chính gốc châu Phi đều bị coi là không có nhiều giá trị - kể cả con người - thì một bảo tàng nghệ thuật như thế này chính là một dấu hiệu của sự biến chuyển.

Bảo tàng sẽ “tạo nên một hình ảnh mới về một bảo tàng mang màu sắc châu Phi, là nơi chào mừng châu Phi bảo tồn di sản văn hóa của riêng mình, viết nên lịch sử của riêng mình, và tự định nghĩa lại bản thân theo cách riêng của mình,” Coetzee chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục