Càphê Việt Nam mất thị phần do không kiểm soát được giá

Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu càphê thứ hai thế giới, tuy nhiên thị phần xuất khẩu trong năm 2015 đã giảm xuống, chỉ còn 18% so với 22% trong năm 2014.
Càphê Việt Nam mất thị phần do không kiểm soát được giá ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu càphê thứ 2 thế giới, tuy nhiên thị phần xuất khẩu trong năm 2015 đã giảm xuống, chỉ còn 18% so với 22% trong năm 2014.

Đó là thông tin đưa ra tại Diễn đàn triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng càphê Việt Nam 2015, do Ban Điều phối ngành hàng càphê Việt Nam (VCCB) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/12.

Theo VCCB, trong 11 tháng của năm 2015, cả nước xuất khẩu 1,13 triệu tấn càphê, đạt 2,3 tỷ USD, giảm 28% về lượng, 30% về giá trị. Giá bán bình quân cũng giảm từ 41.000 đồng/kg năm 2014 xuống 36.000 đồng/kg vào đầu vụ đang thu hoạch năm nay.

Đây cũng là năm mà giá càphê trong nước giảm liên tục ngay từ đầu năm, trái với quy luật hàng năm. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu và xuất khẩu càphê.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, tổng giám đốc Tổng Công ty càphê Việt Nam cho biết, cuối năm 2014, giá càphê ở mức 41.000 đồng/kg, tuy nhiên từ đó đến nay giá càphê liên tục giảm dần, chỉ còn khoảng 32.800-33.000 đồng/kg. Mức giá này ngang bằng hoặc thấp hơn giá thành của người nông dân đang sản xuất hiện nay là 33.000 đồng/kg.

Lý giải về hiện tượng trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội càphê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường càphê Việt Nam đang “một mình, một chợ” và không kiểm soát được giá bán là do thị trường nước ngoài đang đưa tin đồn Việt Nam còn lượng tồn kho quá lớn, thậm chí được mùa trong niên vụ năm nay. Mặc dù VICOFA đã cảnh báo thông tin đó không chính xác nhưng trên thị trường thế giới vẫn đang đi theo xu hướng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giá càphê trong nước giảm liên tục trong năm nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu càphê của thế giới giảm.

Bên cạnh đó, việc các nước xuất khẩu càphê lớn như Brazil, Colombia phá giá đồng tiền nên góp phần thúc đẩy tình hình xuất khẩu của các nước này tăng mạnh. Điều này đã giúp thị phần xuất khẩu càphê của Brazil tăng từ 31% trong năm 2014 lên 33% vào năm nay, Colombia cũng tăng từ 9% lên 11%.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Bình, giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn càphê Chánh Tinh Anh cho rằng, thị trường càphê Việt Nam lâu nay tồn tại tình trạng khi giá càphê xuống thấp thì Việt Nam sẽ nói mất mùa, rủ nhau gìm hàng, còn nhà xuất khẩu lại không có hàng để cung cấp cho thị trường thế giới.

Trong khi đó, phía bên các nước xuất khẩu lớn Brazil, Colombia khi mất mùa, họ sẽ thông báo vẫn còn hàng để bán. Điều này giúp họ vẫn giữ thị phần lớn trên biểu đồ xuất khẩu của thế giới, còn Việt Nam thì ngày càng mất thị phần.

Trong bối cảnh đó, ngành hàng càphê Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong niên vụ mới 2015-2016. Theo dự báo của một số chuyên giá, sản lượng càphê của Việt Nam trong niên vụ mới sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, đặc biệt là El-nino đang diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, thị trường càphê trong nước cũng không có nhiều sự đột biến về giá trong niên vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục