Cậu bé "da cam" vào giảng đường đại học

Không ai nghĩ rằng Trần Văn Tân với một thân hình gầy yếu, đen đúa... lại có thể vượt qua số phận để vững bước vào giảng đường đại học.
Thân hình gầy yếu, đen đúa; bước chân không thật vững; những đám trắng - đen loang lổ hiển hiện trên cơ thể... nên ít ai nghĩ rằng "cậu bé da cam" Trần Văn Tân có thể làm được một việc gì đáng kể.

Thế nhưng, trong dáng hình đau khổ, nhiều thiệt thòi đó là một nghị lực phi thường. Trần Văn Tân đã vượt qua bệnh tật và mặc cảm để trở thành con ngoan, trò giỏi 12 năm liền. Và nay, Tân đang vững bước vào giảng đường đại học, tự mở cho mình cơ hội thực hiện những ước mơ cao cả.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở xóm 10, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), ông Trần Văn Toán, bố của Trần Văn Tân nghẹn ngào: Tôi nhập ngũ vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào thời điểm quyết liệt nhất (năm 1968) và khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi được phục viên về lại quê hương. Nối tiếp niềm vui thống nhất đất nước, tôi cũng lo xây dựng hạnh phúc riêng. Mặc dù vợ chồng tôi sinh được tới 3 người con, song không trọn niềm vui.

Trong số 3 đứa trẻ có hai cháu may mắn phát triển bình thường, riêng cháu thứ 2 là Trần Văn Tân từ lúc mới sinh  (1991) đã có những biểu hiện bất thường, luôn ốm yếu, trên da xuất hiện các đốm loang... Dù còn nhiều khó khăn, gia đình vẫn cố gắng đưa Tân đi khắp các bệnh viện để chạy chữa.

Sau nhiều lần chữa trị, bệnh tình của Tân không thuyên giảm là bao và được kết luận là không thể chữa khỏi vì Tân bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin. Khi đi xét nghiệm, tôi mới biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trong những ngày dài tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - nơi quân đội Mỹ rải chất độc hóa học...

Không như những đứa trẻ bình thường khác, thời thơ ấu của Tân là một cuộc vật lộn với bệnh tật, mặc cảm và hoàn cảnh nghèo túng của gia đình. Điều đáng mừng là hoàn cảnh éo le ấy không những không làm Tân nhụt chí mà ngược lại giúp em có thêm ý chí, quyết tâm.

Từ bé, Tân đã thầm nghĩ và mong muốn thực hiện ba điều ước, thứ nhất, được nghiên cứu, làm việc trong ngành hóa học để hiểu rõ về chất độc da cam/điôxin, qua đó tìm phương pháp giải quyết những hậu quả do chất độc này mang lại; thứ hai, làm được một điều dù nhỏ góp phần đấu tranh, đòi những người đã gây ra tội ác da cam/điôxin phải có trách nhiệm và giải quyết hậu quả; thứ ba, mong muốn trở thành kỹ sư nông nghiệp để có điều kiện giúp những người nông dân như bố mẹ mình nâng cao hiệu quả sản xuất, thoát khỏi đói nghèo.

Để làm được những điều trên, Tân hiểu chỉ có một con đường là phải học thật giỏi. Với ý nghĩ đó, trong suốt 12 năm học qua, dù trường học cách xa nhà, giao thông không thuận lợi nhưng đôi chân gầy yếu của Tân vẫn đều bước tới trường.

Khi về nhà, ngoài phụ giúp bố mẹ việc bếp núc, đồng áng, nếu có thời gian Tân lại lao vào với sách, vở. Nỗ lực của Tân đã được đền đáp bằng 12 năm học đều đạt học sinh tiên tiến.

Cô Lê Thu Hương, giáo viên trực tiếp giảng dạy Tân cho biết, dù có nhiều thiệt thòi so với các bạn, nhưng Tân luôn biết vươn lên, là một học trò ngoan và học khá đều các môn, được thầy yêu, bạn quý. Kỳ thi vào đại học năm 2009, Tân thi cả hai khối A, B vào hai trường Cao đẳng Hóa chất và Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, em đều đỗ với số điểm khá cao. Được biết, gia đình và Tân đã chọn theo học Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Vào được đại học, Tân đã tự mở cho mình cơ hội để thực hiện một trong ba điều ước. Nhưng con đường trước mắt của em còn rất dài và để đạt được trọn vẹn ước mong, em và gia đình còn phải trải qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục