Cầu blue-chip lớn, thị trường đảo chiều bất ngờ

Sáng 24/6, thị trường có một phiên đảo chiều bất ngờ, VN-Index tăng vọt tới 17,67 điểm (tăng tương ứng 4,03%) lên mốc 456,22. HNX-Index (chỉ số mới của sàn Hà Nội) đã cộng cho mình tới 8,4 điểm (tăng tương ứng 5,63%) lên ngưỡng 157,63 điểm.

Sáng 24/6, thị trường có một phiên đảo chiều bất ngờ, VN-Index tăng vọt tới 17,67 điểm (tăng tương ứng 4,03%) lên mốc 456,22. HNX-Index (chỉ số mới của sàn Hà Nội) đã cộng cho mình tới 8,4 điểm (tăng tương ứng 5,63%) lên ngưỡng 157,63 điểm.

Những phút đầu tiên của phiên hôm nay, trong khi sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) mới chỉ bắt đầu xuất hiện những động thái thăm dò, thì tại sàn Hà Nội (HNX), một loạt lệnh chào mua tập trung vào các mã cổ phiếu dẫn dắt được đẩy ngay vào thị trường, theo đó chỉ số HNX-Index đã tăng lên theo chiều thẳng đứng trong suốt 30 phút đầu giờ.

Thành công tại sàn HNX, đã tạo ra động lực mạnh mẽ hòa quyện cùng dòng lệnh trợ giá có khối lượng chào mua với giá ATO và trần trên các mã trụ cột tăng đều, đủ giúp cho VN-Index tìm lại sức mạnh. Đợt 1, VN-Index tăng được 2,15 điểm với khối lượng giao dịch đạt trên 7 triệu đơn vị (tăng gần 20% về khối lượng so với cùng đợt của phiên hôm qua).

Sang đến đợt 2, lực cầu tại các mã blue-chip mỗi lúc một lớn, DPM, FPT, HPG, PPC, PVF, REE, SAM, SSI, STB… tăng trần hàng loạt. Nếu như hôm qua các mã này còn ở trong tình trạng bi đát, người bán tháo chạy vội vã với mức giá chào bán giảm hết biên độ cho phép, người mua thấy rẻ cũng không mua, thì sang đến hôm nay diễn biến thị trường quay ngược 180 độ, nhà đầu tư trở lại tranh mua đẩy mức giá giao dịch của đa phần các mã cổ phiếu tăng kịch trần, trong khi bên bán lại dừng tay.

SSI, STB đóng cửa dư mua trần còn trên cả triệu đơn vị không được bên cung đáp ứng. STB hút lại được lượng thanh khoản trên 9,5 triệu cổ phiếu (so với con số của ngày hôm qua là 1,4 triệu cổ phiếu).

Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 52,65 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.764,15 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra với sàn Hà Nội. Các mã ACB, BVS, HPC, KLS, SHB…đều rơi vào trạng thái khan hàng, dư bán trống vắng, dư mua phủ màu tím kín bảng điện tử. Về cuối phiên sức nóng của thị trường càng lúc càng lan rộng.

Chung cuộc, tổng khối lượng cổ phiếu trao tay đạt 22 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 673,69 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thành công trong phiên thấp là do các nhà đầu tư bên bán quyết định găm lại hàng khi thấy động lực của bên mua tăng lên nhanh chóng.

Xu hướng hay đảo chiều giả?

Diễn biến quay đầu bất thường của thị trường không dựa vào các yếu tố hỗ trợ cơ bản khiến không ít nhà đầu tư đặt ra câu hỏi nghi ngờ “mãnh lực thị trường hôm nay là xu hướng hay đảo chiều giả?”

Trước đó, hầu hết các dự báo thị trường về phiên hôm nay đều đưa ra những nhận định không mấy khả quan. Song với diễn biến như trên, cả hai chỉ số dường như đang vô hiệu hóa các công cụ phân tích xu hướng thị trường.

Việc VN-Index bật mạnh trở lại ngưỡng 456 điểm khiến chúng ta nhớ lại phiên giao dịch của ngày 17/6. Trong phiên giao dịch này, cũng đã có lúc VN-Index rơi về ngưỡng 456, nhưng tại thời điểm đó dòng tiền lớn lập tức xuất hiện lấp đầy khoảng trống tạo ra lực hỗ trợ cực mạnh giúp VN-Index hồi phục, thoát khỏi một phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch lên trên 68 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.600 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Khắc Duẩn - Giám đốc Công ty tư vấn và đầu tư S&D, thời điểm này thị trường rất nhạy cảm và khó đoán bắt. Phiên hôm qua, việc rơi quá đà của VN-Index khỏi ngưỡng 455 điểm khiến cho kênh lên trung hạn bị bẻ gãy. Tuy nhiên, sự hồi phục quá nhanh của phiên hôm nay cũng cho phép mở ra một tia hy vọng về xu hướng tăng có thể vẫn còn, trong trường hợp phiên hôm qua sự mất điểm chỉ thuần túy ở góc độ vô tình do yếu tố tâm lý.

"Cần phải theo dõi động thái và khả năng tích lũy của thị trường trong hai phiên cuối tuần, diễn biến giao dịch đang trở nên hết sức quan trọng bởi nếu một lần nữa VN-Index xuyên thủng ngưỡng 450 điểm thì thật sự là nguy hiểm,” ông Duẩn nói.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia phân tích độc lập, đưa ra nhận định, trong hai phiên xuống trước đã có tín hiệu bắt đáy của các tổ chức và tới phiên này thì hoạt động bắt đáy lan sang cả các nhà đầu tư cá nhân.

Cũng theo ông Dũng, trong một vài phiên tới dòng tiền tập trung nhiều hơn và tính thanh khoản được gia tăng thì cơ hội của sóng 5 là rất cao.

Trái ngược với những ý kiến trên, ông Hoàng Xuân Quyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt, vẫn rất thận trọng. Theo ông, thị trường lên hôm nay là do nhiều nhà đầu tư nhảy vào bắt đáy, nhưng sức cầu của thị trường không phải là quá mạnh. Về vĩ mô, các thông tin cơ bản không có gì mới, mặt khác hiện tượng các tổ chức đăng ký bán ra nhiều cùng với lượng cung lớn của của các tổ chức sắp lên sàn thì nói rằng đây là xu hướng có vẻ quá sớm.

“Ngưỡng kỹ thuật 450 điểm vẫn đang ở trước mắt, cần phải thận trọng,” ông Quyến khuyến cáo./.

Nguyễn Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục