Câu chuyện sữa và những người tiêu dùng cả tin

Người tiêu dùng vẫn “hồn nhiên” trả tiền cho những túi sữa đóng hộp và tin rằng mình đang được dùng “sữa tươi” như quảng cáo.
Theo kết quả nghiên cứu về độ tin cậy vào quảng cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố cách đây hai năm, người dân Việt Nam đứng thứ 8 trong tốp 10 quốc gia tin vào quảng cáo nhất. Và với những diễn biến của thị trường sữa vừa rồi, kết quả trên một lần nữa được khẳng định.

Không phải ngẫu nhiên mà cả một cuộc hội thảo về giá sữa và kiểm soát giá sữa đầu tháng 7 vừa rồi lại rút ra một kết luận rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua sữa theo công thức 1 phần tiền sữa + 2 phần tiền quảng cáo.

Điều nực cười là trong một xã hội tràn ngập thông tin thì người tiêu dùng lại có rất ít cơ hội được tiếp xúc với những thông tin “được đảm bảo” về độ tin cậy. Chính vì thế những thông tin từ các kênh quảng cáo lại càng có cơ hội phát huy tác dụng.

Những người cả tin

Cho dù Chính phủ đã ban hành Nghị định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng cho đến nay rất ít vụ việc được giải quyết đến cùng.

Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (công bố trong hội thảo “Chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2020” ngày 22/4) thì tổng sản lượng sữa hiện nay chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu sữa nước nói chung, còn lại 78% phải dùng sữa bột hoàn nguyên.

Cũng theo số liệu năm 2008 của Cục chăn nuôi thì cả miền Bắc có 27.300 con bò, một nửa số bò cho sữa, sản lượng cung cấp khoảng 90 tấn mỗi ngày nhưng khoảng 10% trong số đó là nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Với lượng sữa như vậy, mỗi ngày trên toàn miền Bắc chỉ có thể cung cấp cho một nhà sản xuất với quy mô công suất nhỏ (3 máy rót). Nhưng thực tế hiện nay, ở miền Bắc có tới hơn 8 doanh nghiệp đang sản xuất sữa với tổng sản lượng cung cấp ra thị trường là khoảng 330 tấn/ngày.

Như vậy sản lượng sữa tươi thật từ đàn bò của Miền Bắc chỉ chiếm khoảng hơn 20% sản lượng sữa tiêu thụ, 80% còn lại vẫn là một câu hỏi mà đáng buồn là chính người tiêu dùng cũng không dành cho nó nhiều sự quan tâm.

Theo tiêu chuẩn TCVN 7029:2002, những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, qua xử lý nhiệt độ cao, được gọi là sữa hoàn nguyên tiệt trùng.

Sản phẩm này sau khi lưu hành, trên nhãn phải ghi rõ là sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Trong khi đó, đa phần các sản phẩm sữa tươi được bày bán hiện nay là sữa hoàn nguyên nhưng đều được gắn nhãn từ sữa tươi.

Theo tiêu chuẩn châu Âu thì sữa tươi là sản phẩm sữa được vắt ra từ bò và không qua chế biến tiệt trùng ở nhiệt độ cao. Thế nhưng cho đến nay, người tiêu dùng vẫn “hồn nhiên” trả tiền cho những túi sữa đóng hộp và tin rằng mình đang được dùng “sữa tươi” như quảng cáo của các doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là người tiêu dùng vì quá tin vào những quảng cáo đập vào mắt, vào tai hàng ngày dẫn đến lẫn lộn giữa “sữa tươi tiệt trùng” với thành phần chính là sữa tươi và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” với thành phần chính từ sữa bột.

Còn về phía các doanh nghiệp, yếu tố tiệt trùng đã được lờ đi và chỉ để là sữa tươi nguyên chất, hay đơn giản là sữa tươi. Ở đây, câu chuyện đã trở thành việc một bên cả tin và bên kia dựa vào sự cả tin ấy để thu lợi. Thế nhưng, kể cả khi đã... bớt cả tin đi, thiệt hại đối với người tiêu dùng cũng không hề giảm bớt.

Thông minh… để làm gì?

Chuyện bắt nguồn từ việc một thành viên của diễn đàn webtretho, trong một phút thông minh hiếm hoi của người tiêu dùng đã tự băn khoăn rằng, không biết những chỉ tiêu dinh dưỡng in trên vỏ của hộp sữa Enfar A+ Step 3 có hoàn toàn đúng?

Để giải đáp câu hỏi này, chị L đem một hộp sữa (sản xuất tại Thái Lan, đóng hộp tại Việt Nam, còn nguyên tem) đến Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm định các chỉ tiêu trong hộp sữa. Thật bất ngờ là các chỉ số được kiểm định (chất béo, hàm lượng calcium, chất khoáng, chất xơ...) đều có sự chênh lêch đáng kể so với những gì được in trên bao bì, đặc biệt là hàm lượng calcium (1,64g/100g trong khi bao bì ghi 0,560g/100g).

Theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý thực phẩm Mỹ (FDA) về lượng canxi phù hợp hàng ngày cho trẻ từ 1- 3 tuổi, và nếu pha đúng lượng sữa theo hướng dẫn ghi trên hộp Enfar A+ Step 3 thì lượng canxi nạp vào cơ thể trẻ đã gấp 1,5 lần lượng khuyến cáo của FDA, chưa kể trẻ còn ăn những thức ăn khác có chứa canxi.

Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu biết rằng thừa canxi cũng gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ. Điều đáng nói là mặc dù không công nhận những kết quả của Viện Pastuer mà chị L gửi tới, nhưng chính những kết quả mà phòng lab của Mead Johnson (chủ nhãn sữa Enfar) cũng cho thấy, những chỉ số được xét nghiệm... cao hơn so với chỉ số in trên vỏ hộp sữa.

Và còn đáng nói hơn là sau 3 tháng chờ đợi câu trả lời, đại diện của Mead Johnson lại đứng ra giải thích rằng: “Thường các chất trong sữa được các hãng đưa vào ở một mức cao hơn mức công bố, để đến khi sữa lùi dần về đến ngày hết hạn sử dụng thì thành phần sữa sẽ trở về đúng mức được công bố là... vừa”.

Quá bức xúc, chị L viết trên diễn đàn: “Nếu như hãng sữa đứng ra đảm bảo những sai lệch ấy không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ thì mình cũng sẽ không băn khoăn. Nhưng chính sự lập lờ và cố tình kéo dài thời gian của hãng đã khiến mình không biết nên tin vào đâu. Cho dù đã không còn cho con dùng loại sữa này nữa, nhưng cũng không thể hết được sự lo lắng”.

Câu chuyện, những tâm sự của chị L đã nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều thành viên của diễn đàn webtretho, thậm chí đã hình thành cả một phong trào tẩy chay những sản phẩm của hãng sữa này.

Chị L cho biết, chị đã gửi đơn tới Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm kèm theo những phiếu kiểm nghiệm, thế nhưng cho tới nay câu trả lời vẫn chỉ là: đã nhận được thông tin, và sẽ cho kiểm tra.

Câu chuyện của chị L cho thấy, để trở thành một người tiêu dùng thông minh cũng hoàn toàn không dễ. Và hệ quả của nó là cho đến nay rất nhiều thành viên của diễn đàn webtrertho và những người biết chuyện không những không còn lòng tin đối với các sản phẩm của Mead Johnson mà còn đâm ra nghi ngờ tất cả các loại sữa khác.

Vì biết đâu các sản phẩm ấy cũng giống như Enfar? Đã có lời kêu gọi mỗi người góp một chút tiền để mua và đem kiểm định các loại sữa hiện có trên thị trường. Thế nhưng, như một thành viên của diễn đàn nói: “Có làm thế cũng chẳng thể làm gì, vì khi không có ai đứng ra trả lời rằng loại sữa A, B, C ấy có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hay không thì những đứa trẻ của chúng ta vẫn phải uống sữa, thay vì chờ được câu trả lời từ các chú, các bác.”./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục