Câu chuyện về bức ảnh biểu tượng của Usain Bolt tại Rio 2016

Bức ảnh Usain Bolt chạy trước các đối thủ và nở nụ cười tự tin được coi là bức ảnh tiêu biểu nhất của Thế vận hội năm nay.
Câu chuyện về bức ảnh biểu tượng của Usain Bolt tại Rio 2016 ảnh 1Khoảnh khắc thú vị của Usain Bolt. (Nguồn: Getty)

Bức ảnh Usain Bolt chạy trước các đối thủ và nở nụ cười tự tin được coi  là bức ảnh tiêu biểu nhất của ​Olympic Rio 2016.

Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc Usain Bolt băng về đích trong vòng bán kết nội dung chạy 100 m tại Rio vào chủ nhật vừa qua là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Cameron Spencer ​(hãng Getty). 

Nó được lan truyền trên mạng internet và là thành quả của một tay máy chuyên nghiệp ở đúng vị trí, đúng thời điểm để chơi một canh bạc lớn nhưng đã có tính toán từ trước.

Nhiếp ảnh gia Olympic từ Sydney này đã chia sẻ với trang Mashable qua điện thoại về cách anh chụp được bức ảnh đầy tính biểu tượng trên.

Bức ảnh được chụp bằng máy ảnh Canon 1DX MK2 với ống kính 70-200 mm đặt ở khoảng cách tiêu cự 135 mm. Tốc độ màn trập là 1/40 giây, và điều này có nghĩa là Spencer có thể lia máy theo Bolt để tạo được hiệu ứng nhòe thể hiện được tốc độ của cuộc đua.

Ngoài ra, Spencer còn có được một số điều kiện thuận lợi khác cho phép anh chụp được bức ảnh tuyệt vời này. Trước hết, anh không phải chen chúc giữa hàng trăm nhiếp ảnh gia khác cũng đang nhắm ống kính để chụp được bức ảnh tương tự. Anh là một trong số rất ít nhiếp ảnh gia được vào tới thảm cỏ gần đường chạy hơn.

Thứ hai, thực ra anh đã được phân công chụp các sự kiện khác diễn ra trên sân vào ngày hôm đó thay vì chụp đường chạy. Ngay trước khi Bolt chạy, Spencer vẫn đang chụp ảnh cho nội dung nhảy cao. Trong khi sự kiện này đang diễn ra, anh đã “chạy đi chỗ khác khoảng 4 phút” để chụp ảnh bán kết 100 mét, tuy vậy anh không hề được chính thức phân công chụp ảnh Bolt trong sự kiện đó.

Điều này có nghĩa là anh có thể thử sử dụng một kỹ thuật khác để đạt được hiệu ứng mờ do chuyển động. “Tôi đã sẵn sàng mạo hiểm. Và thế là tôi giữ máy càng chắc càng tốt và nín thở chờ đợi” - Spencer chia sẻ.

“Tôi đã chụp Bolt nhiều lần qua các năm. Anh ấy chạy rất thẳng. Bạn phải bình tĩnh, giữ ổn định và duy trì đúng tốc độ. Đôi khi bạn sẽ không làm được những việc ấy” - Spencer cho biết thêm.

Thứ ba, đối tượng của anh rất quan trọng. Bolt là một người thích biểu diễn, và trong trường hợp này, “nụ cười ấy là một yếu tố phụ thêm vào.”

“Nụ cười đó đã tóm gọn tính cách của anh ấy,” Spencer cho biết. “Ai cũng biết anh ấy là một người thích mua vui cho người khác và thích thể hiện. Anh ấy đang nhìn vào các đối thủ của mình và thể hiện rằng, ‘Tôi đang cảm thấy rất vui và thoải mái.’”

Niềm vui không chỉ dừng lại ở đó. Trong số khoảng 600 phóng viên ảnh ở đường chạy, Spencer là một trong số 4 người được phép chạy vòng chạy chiến thắng với Bolt. Đuổi theo người đàn ông nhanh nhất hành tinh là “một trải nghiệm hết sức tuyệt vời,” Spencer cho biết. “Các vận động viên chạy cự li 100 m đều là những ông vua nhạc rock, họ đều rất tự tin,” anh nói thêm. “Bolt luôn thể hiện cảm xúc thoải mái, thư giãn. Anh ấy có một tư cách rất đáng chú ý.”

Bức ảnh là thành công của một người đàn ông cùng chiếc máy ảnh của mình, tuy vậy công tác tổ chức của Getty tại Rio cũng là một thành công đáng kể về làm việc theo nhóm và công nghệ tác nghiệp. Spencer cho biết 11 nhiếp ảnh gia đã chụp tổng cộng 20.925 bức ảnh trong các sự kiện điền kinh diễn ra, trong đó có 876 bức ảnh được chỉnh sửa, và bức ảnh đầu tiên chụp trong cuộc đua cuối cùng của Bolt được đăng tải chỉ sau 59 giây. Con số này tại London 2012 là 1 phút 20 giây.

Câu chuyện về bức ảnh biểu tượng của Usain Bolt tại Rio 2016 ảnh 2Hàng trăm nhiếp ảnh gia muốn có những khung hình đẹp về Usain Bolt (Nguồn: Getty)

Ngoài 11 nhiếp ảnh gia tác nghiệp cho Getty, nhiều hàng máy ảnh từ xa cũng được lắp đặt trên mặt đất. Spencer có 3 chiếc đặt ở vạch đích, cung cấp những góc nhìn khác nhau về khoảnh khắc quan trọng đó. Hai trong số này được nối trực tiếp với một máy ảnh khác, còn chiếc thứ ba là không dây. Tuy nhiên, Spencer cũng cho biết các loại máy không dây khi được lắp đặt có thể bị can thiệp bởi các máy ảnh khác, bởi tín hiệu bộ đàm hoặc các loại tín hiệu khác.

Cáp ethernet cũng được Spencer lắp đặt gần đường chạy, cho phép những bức ảnh được gửi ngay tới ban biên tập, nơi chọn ra những khung hình đẹp nhất.

Ngoài ra còn có những chiếc máy ảnh được đặt trong các bộ thiết bị người máy được đặt ở đường đi và mái của các điểm thi đấu. Hiệu chỉnh và hướng của các thiết bị này có thể được thay đổi từ xa thông qua máy tính xách tay đặt ở độ cao bình thường. Đây là một công nghệ hết sức hữu ích khi Rio và London đều có những quy định khắt khe hơn về việc cho phép người vào các khu vực bất ổn. Nhiều khả năng những bức ảnh chụp từ trên xuống ở hồ bơi, sàn thi đấu judo hay cầu lông chẳng hạn đều được chụp bởi máy ảnh robot.

Vậy Spencer, người đã trải qua qua 2 kỳ Olympic mùa ​Đông và 3 kỳ Olympic mùa Hè, muốn chỉnh sửa điều gì trong bức ảnh của mình?

Câu trả lời là hàng rào màu trắng ở nền ảnh – điều mà có lẽ bạn thậm chí còn không để ý tới. “Tôi là người cầu toàn và nó khiến tôi mất tập trung,” anh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục