"Hạnh phúc là biết cho đi"

Câu chuyện về chàng Nick: Ngưỡng mộ và tiếc nuối

Trước hàng vạn khán giả Mỹ Đình, Nick Vujicic đã truyền tải thông điệp lớn về khát vọng sống, về niềm tin và cách ứng xử.



Cuộc hội ngộ của cô bé Việt Nam không tay chân Nguyễn Linh Chi (8 tuổi) cùng Nick Vujicic trong buổi thuyết trình với chủ đề “Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn” diễn ra tối qua (23/5) tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đã khiến khán giả vỡ òa xúc động. Những giọt nước mắt đồng cảm đã rơi. Công chúng không chỉ được chứng kiến hình ảnh “chàng sọ dừa” ngoài đời và trực tiếp nghe câu chuyện của anh mà còn thấm thía hơn rằng: Ngay quanh ta, không ít những tấm gương về nghị lực sống vẫn miệt mài trên con đường kiếm tìm và xây dựng hạnh phúc. “Nóng” cùng Nick Dù theo lịch trình, vào lúc 18 giờ 30, buổi diễn thuyết mới chính thức bắt đầu, nhưng từ khoảng 16 giờ, khu vực quanh Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đã có hàng trăm người tập trung, chờ tham dự buổi thuyết trình của chàng trai không tay chân Nick Vujicic. ["Chàng trai kỳ diệu" giao lưu với người hâm mộ VN] Mặc đồng phục áo phông có in hình Nick phía trước, một nhóm sinh viên trường Đại học Thương mại hồ hởi cho biết: “Kết thúc buổi học sáng, chúng em quyết định ở lại trường luôn, đợi đến chiều ra đây tham dự buổi diễn thuyết.”
Câu chuyện về chàng Nick: Ngưỡng mộ và tiếc nuối ảnh 1
Nhiều bạn trẻ có mặt từ rất sớm để đón chờ buổi diễn thuyết của Nick Vujicic (Ảnh: P.M/Vietnam+)
Thanh Hoa, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Từ khi có thông tin Nick Vujicic sẽ sang diễn thuyết ở Việt Nam, em rất hồi hộp. Trước đó, đọc tự truyện của Nick và suy ngẫm lại bản thân, đôi khi, em thấy mình thật ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình và với bản thân mình.” Giọng trùng xuống, cô sinh viên tâm sự: “Anh ấy không có tay, chân mà vẫn làm được những điều phi thường. Trong khi đó, em hoàn toàn lành lặn mà lại từng nản chí và có ý định tự tử khi thi trượt đại học năm đầu tiên.” Trong suốt buổi thuyết trình với chủ đề “Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn” của Nick Vujicic, những ánh mắt trong veo của các em nhỏ, những ánh nhìn đầy cảm phục và ngưỡng mộ của giới trẻ luôn hướng về “chàng sọ dừa” của thế giới. Hòa vào tình cảm đó là những nụ cười hiền hậu của các khán giả lớn tuổi, vừa thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với Nick vừa phảng phất đôi chút tiếc nuối: Ở Việt Nam cũng không thiếu những tấm gương nghị lực sống nhưng họ không được biết đến nhiều và chưa từng có buổi diễn thuyết truyền nhiệt huyết nào quy mô lớn như Nick. Bác Nguyễn Nam (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thấm thía những câu nói của Nick như ‘Cuộc sống sẽ thật nhàm chán và vô vị khi không có thách thức để vượt qua.’  Nhưng tôi cũng có chút chạnh lòng khi nghĩ tới số tiền khá lớn mà ban tổ chức bỏ ra để mời Nick sang đây.” “Chúng ta đều thừa nhận rằng anh ấy giỏi, anh ấy là một tấm gương điển hình cho nghị lực sống và ý chí vươn lên. Thế nhưng, thực tế là Việt Nam chúng ta cũng không thiếu những con người như vậy. Vậy tại sao họ lại không được công chúng biết đến nhiều như Nick và mỗi khi họ xuất hiện, công chúng không mang băng-rôn đón chào như Nick? Phải chăng vì họ không có những cuốn sách luôn được liệt vào hàng ‘best seller’ như Nick,” người đàn ông với mái tóc hoa râm ấy trầm ngâm nói. Những gương mặt quen Trên hàng ghế khán giả, cô Nguyễn Quyên, giáo viên trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: "Những câu chuyện của Nick không phải là những gì quá mới mẻ. Đằng sau hình ảnh của Nick và những câu chuyện mà anh mang tới, chúng ta thấy thấp thoáng những gương mặt Việt Nam rất đỗi quen thuộc như: Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, dịch giả Nguyễn Bích Lan, người chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ-Nguyễn Sơn Lâm hay cô bé xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh..."
Câu chuyện về chàng Nick: Ngưỡng mộ và tiếc nuối ảnh 2
Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh (Ảnh: BHD)
“Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết, nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn là điều tươi đẹp”, lời hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng từng chia sẻ. Khi còn sống, mỗi năm, anh đã đào tạo công nghệ thông tin cho hàng trăm người. Với những đóng góp của mình trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật, năm 2008, Nguyễn Công Hùng được nhận giải thưởng "Dải băng xanh" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng. Hay như Nguyễn Bích Lan, cân nặng chỉ có 30 kg, sức khỏe bằng 15% người thường, nhưng lại là dịch giả của 26 đầu sách tiếng Anh sang tiếng Việt, trong đó có những ấn phẩm nổi tiếng như “Triệu phú khu ổ chuột.” Lạ hơn, quá trình học ngoại ngữ của dịch giả Bích Lan lại hoàn toàn là tự học. Chứng bệnh nan y loạn dưỡng cơ đã khiến chị phải bỏ dở việc học từ năm lớp 8. “Trời đất như tối sầm lại và tôi thấy mình như rơi xuống vực sâu. Tuyệt vọng… Nghỉ học ở nhà, tôi nghe lỏm em mình học tiếng Anh rồi  mò mẫm lấy sách tự học. Dần dần, tôi tìm lại được niềm vui, niềm tin trong cuộc sống và thấy mình không thể cứ sống mãi những ngày vô nghĩa như vậy. Tôi mở trung tâm dạy tiếng Anh, rồi sau đó dần chuyển hẳn sang lĩnh vực dịch sách,” dịch giả Bích Lan chia sẻ. “Có lẽ, do có cùng hoàn cảnh trở ngại về thể chất nên tôi có sự đồng cảm đặc biệt với Nick Vujicic. Anh luôn thể hiện một ý chí không giới hạn và là minh chứng cho chân lý: ‘Hạnh phúc là biết cho đi!’ Tiếp xúc với những câu chuyện của anh, tôi như thấy một phần cuộc sống của chính mình trong đó,” chị bày tỏ. Trước hàng vạn khán giả ở Mỹ Đình, Nick nói: “Nếu bạn cho tôi một tỷ đôla, tôi sẽ hạnh phúc? Nhưng nếu tôi có tất cả tiền bạc của thế giới này mà mẹ tôi qua đời, lúc đó liệu tôi có hạnh phúc? Chắc chắn không! Điều quan trọng nhất không phải là vật chất mà là những con người. Hãy biết ơn gia đình mình, những người bạn của mình!" Đó chính là thông điệp lớn nhất về khát vọng sống, niềm tin, cách ứng xử và quan niệm về hạnh phúc, tình yêu thương gia đình, bạn bè mà Nick muốn truyền tải tới khán giả./.
P. Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục