Cầu tàu Nhật dạt tới Mỹ

Cầu tàu Nhật Bản bị sóng thần cuốn dạt tới tận Mỹ

Nhân viên bảo vệ môi trường Mỹ phải tiến hành gỡ tảo biển, hàu bám vào cầu tàu bị sóng thần cuốn trôi và dạt vào bãi biển Mỹ.
Các nhân viên cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã phải tiến hành gỡ tảo biển và hàu bám vào một cầu tàu bị sóng thần cuốn trôi và dạt vào bãi biển Mỹ, nhằm chống lại các sinh vật xâm thực tới từ Nhật Bản.

Sở Cá và Động vật hoang dã Oregon đã ra lệnh tiến hành hoạt động trên sau khi công trình dài 20m làm từ bê tông sắt thép trôi dạt từ Nhật tới một bãi biển ở Oregon.

Đây cũng là rác thảm họa sóng thần lớn nhất từ trước tới nay tại Bờ biển phía Tây Mỹ.

Khoảng một chục công nhân và tình nguyện viên đã dùng xẻng, cào và các công cụ khác để làm sạch phần cầu tàu. Tiếp đó họ dùng lửa áp lực thấp để khử trùng toàn bộ cầu tàu.

Phát ngôn viên Chris Havel của Sở Công viên và Giải trí Oregon (OPRD) nói rằng các sinh vật thủy sinh bám vào cầu tàu có thể đe dọa tới môi trường địa phương.

"Một sinh vật phát triển trong một môi trường sinh thái sẽ phát triển từ từ, được tự nhiên kiểm soát và cân bằng. Khi anh đưa một cơ thể sống khỏi môi trường đó và đặt nó vào môi trường mới, sự cân bằng sẽ biến mất. Nó có thể sống khỏe hơn các loài sinh vật, động vật địa phương. Kết quả là hệ sinh thái địa phương bị đá đít và một hệ sinh thái mất cân bằng được thiết lập," ông Chris Havel.

Cầu tàu kể trên đã dạt tới bãi biển Agate, gần thị trấn Newport, cách Portland khoảng 160km.

Giới chức Oregon đã liên lạc với các nhà ngoại giao Nhật Bản, những người xác nhận đây là rác hình thành sau thảm họa sóng thần 11/3/2011 và đã trôi dạt cả ngàn cây số qua Thái Bình Dương.

Giới chức Nhật Bản nói rằng cầu tàu này tới từ cảng Misawa, tỉnh Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Trên cầu tàu còn có một bảng thông tin viết bằng tiếng Nhật, kèm theo thông dòng chữ 6/2008.

Người ta đã kiểm tra nồng độ phóng xạ cầu tàu, bởi thảm họa động đất sóng thần còn khiến nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị rò rỉ phóng xạ, tuy nhiên không có phóng xạ bám trên cầu tàu. Song các sinh vật thủy sinh bám trên nó có thể đe dọa tới môi trường.

"Một trong các sinh vật được nhận dạng là tảo. Nó trông giống như tảo bẹ, chuyên sống ở Nhật Bản. Nó đã từng xâm lấn Nam California. Hiện tảo này chưa hiện diện ở Oregon. Bởi vì điều đó và khả năng có thêm các sinh vật khác không thuộc về nơi này, chúng tôi đã làm sạch toàn bộ bề mặt cầu cảng. Sau khi người ta cạo lớp bề mặt này, người ta đã dùng lửa đốt để khử trùng. Rất nhiều rác rưởi hình thành sau trận động đất, sóng thần Nhật Bản đã dạt tới bờ biển phía Tây Mỹ và Canada," phát ngôn viên của OPRD nói.

Chris Havel nói rằng cầu tàu này còn lớn hơn cả một con tàu cá từng trôi dạt tới Alaska hồi tháng Tư năm nay, hay một container chở xe máy Harley Davidson đã dạt tới bờ biển Canada hồi tháng Năm.

Havel nói thêm rằng không thể ước tính được việc Bờ biển Tây Mỹ sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để dọn rác từ Nhật Bản. Ngân sách dành cho việc dọn dẹp bờ biển ở Oregon đã tăng lên để chuẩn bị cho làn sóng rác từ Nhật Bản sắp đổ bộ. Năm nay, khoản ngân sách này tăng lên tới 135.000 USD.

Nhưng Davel cảnh báo ngân sách của một cơ quan riêng lẻ sẽ không đủ để chuẩn bị cho nhiều tình huống như chiếc cầu tàu kể trên. "Đây không chỉ là vấn đề của Oregon mà còn liên quan tới Washington, California, Alaska," ông nói, có ý nhắc tới các bang khác ở Bờ biển Tây Mỹ./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục