"Câu thần chú" của các nước châu Âu về khủng hoảng di cư đã lỗi thời?

Trong những tuần gần đây, “câu thần chú” của các nhà lãnh đạo châu Âu và một phần giới truyền thông là “không có khủng hoảng di cư."
"Câu thần chú" của các nước châu Âu về khủng hoảng di cư đã lỗi thời? ảnh 1Người di cư và tị nạn tại Nantes, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên báo Le Figaro số ra gần đây, nhà triết học người Pháp Chantal Delsol lập luận thay vì phủ nhận thực tế của cuộc khủng hoảng di cư, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nên tạo khuôn khổ cho một cuộc đối thoại thực chất.

Các quốc gia Trung Âu gần đây không ngừng nhấn mạnh quan điểm của họ về vấn đề nhập cư. Thật không may, những quan điểm này không hề được chính phủ Tây Âu chào đón.

Theo nhận xét của bà Delsol, ở Tây Âu không thể có một cuộc đối thoại thật sự về nhập cư, bởi vì các chính phủ luôn khẳng định “nghĩa vụ đạo đức” của một nền văn hóa “nhân văn” là chào đón “người nghèo gõ cửa.”

Việc thay đổi hoặc đặt vấn đề về nghĩa vụ là không hợp lý. Các nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron và Đức Angela Merkel chỉ hạn chế mở cửa với mục đích tránh sự phát triển của chủ nghĩa dân túy. Điều còn thiếu ở đây, liên quan đến vấn đề đáng lo ngại và quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là cơ hội đối thoại.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đề cập đến vấn đề này vào ngày 16/6 nhân lễ tang cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl. Ông Orban đã nhắc đến một trong những biểu tượng quan trọng nhất của văn hóa Trung Âu: “thành lũy thời Trung cổ."

Trong lịch sử, các nước Trung Âu với vị trí địa lý của mình đã ngăn chặn nhiều cuộc xâm lược và bảo vệ Tây Âu. Ông Orban đã liên hệ tình hình hiện nay với lịch sử và gợi ý nên giúp phát triển hơn là mở cửa.

Quan điểm này có thể gây ra nhiều tranh cãi: các hoạt động hỗ trợ phát triển phải được thực hiện trong dài hạn, nhưng vấn đề hiện nay là rất ngắn hạn; hoặc liệu có thể so sánh những người nghèo đang xin tị nạn với những kẻ xâm lược trong lịch sử? Thế nhưng cuối cùng, theo nhà triết học Chantal Delsol, dư luận phương Tây đã không quan tâm, thậm chí không biết "thành lũy thời Trung cổ" là gì và cũng không muốn tìm hiểu.

Văn bản do Thủ tướng Áo Kurtz gửi đến các chuyên gia của 28 quốc gia EU đã nhận nhiều ý kiến tranh luận. Bà Chantal Delsol nhấn mạnh văn bản này được tiếp nhận với sự phẫn nộ và định kiến, mà chẳng ai có bất kỳ ý định tìm hiểu kỹ càng.

Thủ tướng trẻ tuổi của Áo đã đưa ra một khía cạnh khác của vấn đề: cách thức đón nhận người nhập cư. Về mặt tỷ lệ, Áo đã phải tiếp nhận nhiều người di cư hơn Pháp. Thủ tướng Kurtz cho rằng Áo không có nghĩa vụ phải làm điều đó bằng bất cứ giá nào.

Nói cách khác, việc tiếp nhận người tị nạn không thể đi kèm với những yêu cầu đánh đổi. Nhưng chúng ta đã thấy những gì xảy ra trong những năm gần đây? Tự nguyện mở rộng cánh cửa vào Đức như năm 2015, trong khi nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề đặt ra và cần phải tính đến.

Bà Chantal Delsol nhận xét đã có một nỗ lực không ngừng nghỉ để làm cho công chúng tin rằng trong số những người di cư, có nhiều bác sỹ và học giả bị các chế độ độc tài săn đuổi. Một sự kiện rất nghiêm trọng như vụ xâm hại ở Cologne (Đức) đã được các chính phủ giải quyết ở mức độ giảm nhẹ đáng kinh ngạc.

Trong một thời gian dài không thể phân biệt giữa người tị nạn chính trị và người tị nạn kinh tế. Ý tưởng "phân loại" ngay lập tức bị so sánh với một tư tưởng ác độc. Những người tị nạn có được yêu cầu phải hòa nhập với văn hóa của nước tiếp nhận họ không? Không dám bảo vệ công khai chủ nghĩa đa văn hóa, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng không dám chấp nhận các biện pháp tích cực của hội nhập.

Bài phát biểu của ông Kurz bị cáo buộc bởi vì ông nói rằng trong số những người di cư trẻ tuổi này có "nhiều người đặc biệt nhạy cảm với ý thức hệ căm ghét tự do và ủng hộ bạo lực", cũng như có "nhiều vấn đề lớn để sống được trong những xã hội mở." Việc chỉ trích những người tị nạn bị coi là điều không thể chấp nhận được, với lý do họ là nạn nhân và hoàn toàn vô tội. Không thể gộp chung tất cả những người tị nạn vào thành cùng một nhóm giống nhau. Nói cách khác, chỉ có thể nhận xét về từng cá nhân cụ thể.

Mọi người đều nhận thấy rằng những người Hồi giáo gặp nhiều khó khăn hơn người phương Tây khi sống trong các xã hội mở. Mỗi nền văn hóa có đặc điểm riêng. Không phải ngẫu nhiên mà Hồi giáo có nghĩa là “nhún nhường,” trong khi Israel có nghĩa là "mạnh mẽ chống lại Thượng đế." Tuy nhiên, không cần nói ra điều đó.

Đối với ông Kurz, lẽ dĩ nhiên là nước đón nhận chỉ nên trao quy chế tị nạn "cho những người tôn trọng các giá trị và quyền tự do cơ bản của EU."

Theo ông, các nước phải mở cửa, nhưng không thể để cho những người nhập cư bóp méo nền văn hóa bản địa. Một nhà nhân văn đích thực là một người thể hiện sự nhân từ dưới góc nhìn thực tế. Các nhà cầm quyền đã không thừa nhận rằng họ phải đối mặt với rất nhiều chống đối.

[Vấn đề người di cư: Tây Ban Nha cứu gần 400 người trên biển]

Trong những tuần gần đây, “câu thần chú” của các nhà lãnh đạo châu Âu và một phần giới truyền thông là “không có khủng hoảng di cư."

Theo bà Chantal Delsol, đây là một cách phủ nhận thực tế để không phải đối mặt với nó. Sự sụt giảm về số lượng người nhập cư trong năm vừa qua không làm thay đổi khát khao được sống ở phương Tây của người dân châu Phi, cũng không giải quyết được sự bất lực của chính phủ các nước phương Tây trong việc giúp người tị nạn hội nhập.

Bà Chantal Delsol nhấn mạnh thật đáng xấu hổ khi cố làm cho công chúng tin rằng tình trạng nguy cấp đã chấm dứt.

Theo bà Chantal Delsol, các nước phương Tây cần những nhà lãnh đạo nhân văn với đôi mắt tinh tường, có khả năng đòi hỏi ngay cả khi họ rất nhân từ.

Bà kết luận che giấu các đặc điểm của văn hóa Hồi giáo để không bị mang tiếng là "phân biệt đối xử," không phải là cách để giải quyết dứt điểm tình hình hỗn loạn hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục