Cầu treo vừa khánh thành đã hỏng là do nền đắp chưa chặt

Cầu treo Thôn 2 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bị hỏng là do nền đắp sau mố chưa đảm bảo chất lượng, kết hợp với mưa lũ dẫn đến nứt vỡ.
Cầu treo vừa khánh thành đã hỏng là do nền đắp chưa chặt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc sự cố cầu treo vừa đưa vào khai thác đã sụt lún đầu cầu tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nền đắp mố cầu chưa đảm bảo độ chặt, kết hợp với mưa lũ dẫn đến nứt vỡ.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, cầu treo Thôn 2 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư xây dựng với khẩu độ 50x1,5m, hoàn thành từ tháng Sáu trong Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Trong quá trình xây dựng nền đường đầu cầu, để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư đã chủ trương cho phép tận dụng tối đa vật liệu đào tại chỗ và vật liệu sẵn có tại vị trí công trình để đắp đất nền đường đầu cầu.

“Thực tế tại cầu Thôn 2, xã Tiên Lãnh đã sử dụng vật liệu sỏi suối lẫn cát để đắp lòng mố, trụ cầu. Trong quá trình đắp đã cơ bản tuân thủ để đảm bảo chất lượng công tác đắp. Tuy nhiên thực tế nền đắp sau mố chưa đảm bảo chất lượng (chưa đảm bảo độ chặt yêu cầu). Sau thời gian khai thác, kết hợp với mưa lũ nền đường đầu cầu bắt đầu cố kết dẫn đến nứt vỡ mặt đường sau mố và tứ nón đầu cầu,” ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Ngay sau khi xuất hiện hư hỏng, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát và nhà thầu đã thực hiện ngay công tác sửa chữa (đến nay đã hoàn thành công tác sửa chữa) theo đúng thiết kế để đưa công trình vào khai thác an toàn.

“Do công trình đang trong giai đoạn bảo hành, kinh phí thực hiện sửa chữa do nhà thầu chịu trách nhiệm,” người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Quảng Nam là một trong 28 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên nằm trong địa bàn được xây dựng cầu treo của Đề án xây dựng 186 cầu treo giai đoạn 1 và địa phương đã báo cáo nhu cầu xây dựng 92 cầu treo dân sinh.

Tuy nhiên, Tổng cục phối hợp với Tư vấn thiết kế, các ban ngành địa phương khảo sát chi tiết các vị trí xây dựng cầu, nhận thấy một số vị trí dự kiến xây dựng không phù hợp với tiêu chí của Đề án và đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất lại danh sách cầu thay thế.

Quá trình tiếp tục phối hợp rà soát với địa phương đã thống nhất đầu tư xây dựng 14 cầu. Trong tháng 11, Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã bàn giao cho tỉnh Quảng Nam quản lý 12 cầu treo dân sinh trên địa bàn 4 huyện (Tây Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức và huyện Tiên Phước) trong đó huyện Tiên Phước xây dựng 9 cầu.

“Để lựa chọn được 12 cầu đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản đưa vào khai thác sử dụng đã qua quá trình thực hiện có phối hợp chặt chẽ giữa đề xuất của địa phương và kiểm tra rà soát của Tổng cục cùng các cơ quan chuyên môn, đơn vị khảo sát thiết kê,” ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Đối với cầu Trà Tập đã được khảo sát, thiết kế xong. Tuy nhiên do địa hình rất phức tạp, dốc lớn nên đường dẫn vào cầu xây dựng với chiều dài lớn, dẫn đến kinh phí xây dựng đường lớn, trong khi địa phương khó khăn, chưa bố trí được kinh phí.

Vì vậy để đảm bảo tiến độ của Đề án, Tổng cục Đường bộ chấp thuận chuyển sang Đề án xây dựng cầu dân sinh bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (LRAMP) và sẽ được triển khai xây dựng cuối năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục