Cầu vồng xuất hiện sau 1 năm Malaysia áp đặt kiểm soát dịch chuyển

Trong một năm thực hiện Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO), người dân Malaysia đã trở nên đoàn kết hơn, kiên cường và sáng tạo hơn để đảm bảo sự tồn tại cho chính bản thân mình.
Cầu vồng xuất hiện sau 1 năm Malaysia áp đặt kiểm soát dịch chuyển ảnh 1 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/3, Malaysia đánh dấu một năm ngày Chính phủ nước này thực hiện Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm COVID-19.

Nhìn lại một năm thực hiện MCO, nhiều người dân Malaysia đã nhận ra rằng thời gian ở nhà chống dịch đã dạy cho họ nhiều bài học quan trọng và khiến họ trở thành những người “bác sỹ” của riêng mình.

Trong một năm này, họ đã trở nên đoàn kết hơn, kiên cường và sáng tạo hơn để đảm bảo sự tồn tại cho chính bản thân mình.

[Malaysia phạt nặng hành vi tung tin giả liên quan tới dịch COVID-19]

Kể từ ngày 18/3, người dân Malaysia đã dần làm quen với những quy định mới trong sinh hoạt hàng ngày - điều mà họ chưa từng trải qua trước đây. Áp đặt quy định MCO trong thời gian đại dịch đã ảnh hưởng vô cùng to lớn với mọi cá nhân, gia đình, nhiều lĩnh vực khác nhau và cả chính phủ.

Ngày 16/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố việc thực thi MCO, có hiệu lực từ ngày 18/3, theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm năm 1988, nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm virus SARC-CoV-2.

Kể từ đó, người Malaysia đã quen với việc chờ đợi thông tin cập nhật hàng ngày từ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob, về những quy định tiếp theo của MCO.

Cầu vồng xuất hiện sau 1 năm Malaysia áp đặt kiểm soát dịch chuyển ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Serdang, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với những quy định về hạn chế xã hội và sự ra đời của cụm từ mới “giãn cách xã hội,” mọi người bắt đầu tuân thủ MCO, điều này đã mang lại những thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày với sự xuất hiện của các lớp trực tuyến, các cuộc họp, hội thảo và hội nghị cũng trực tuyến.

Việc trở về quê vào các dịp lễ kỷ niệm tôn giáo, hiếu hỷ cũng đã bị cấm trong thời gian áp đặt MCO. Các chốt canh gác đã được lập ra trên toàn quốc để đảm bảo người dân không được ra khỏi nhà khi không có lý do chính đáng.

Đến tháng 5, tốc độ lây nhiễm có xu hướng giảm, do vậy ngày 4/5, chính phủ đã nới lỏng một chút Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) với sự ra đời của MCO có điều kiện (CMCO) để mở lại khu vực kinh tế của đất nước một cách có kiểm soát, tuân thủ nghiêm ngặt SOP.

Tuy nhiên, trong thời gian này các hoạt động thể thao liên quan đến tụ tập đông người, tiếp xúc trực tiếp và các nguy cơ lây nhiễm khác đều không được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, du lịch liên bang vẫn không được phép ngoại trừ vì mục đích công việc và đối với những người trở về nhà sau khi bị mắc kẹt ở quê nhà hoặc nơi khác.

Sau đó, vào ngày 10/6, CMCO được thay thế bằng MCO phục hồi (RMCO), đánh dấu giai đoạn phục hồi từ khi triển khai MCO và CMCO kéo dàn cho đến ngày 3/12/2020.

Tuy nhiên, do thái độ thiếu nghiêm túc của một số cộng đồng trong việc tuân thủ SOP, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh trở lại khiến chính phủ phải một lần nữa áp đặt trở lại MCO trong 14 ngày kể từ ngày 13-26/1, tại các bang Penang, Selangor, lãnh thổ Liên bang (Kuala Lumpur, Putrajaya và Labuan), Melaka, Johor và Sabah.

Trong thời gian này, việc đi lại liên bang vẫn không được phép, trong khi du lịch giữa các quận được phép, ngoại trừ ở Sabah và Sarawak.

Hiểu được những khó khăn của người dân đang phải đối mặt trong suốt một năm qua, chính phủ đã nhanh chóng công bố các gói kích thích kinh tế khác nhau để giúp họ giảm bớt gánh nặng.

Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin đã công bố 6 gói kích thích kinh tế với ba mục tiêu, đó là bảo vệ người dân, hỗ trợ kinh doanh và củng cố nền kinh tế, trong đó gói PRIHATIN có trị giá lớn nhất là 250 tỷ ringgit.

Theo nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng United Overseas Malaysia Julia God, trong Ngân sách 2021, chính phủ đã lên kế hoạch chi tiêu khá lớn, 222,5 tỷ ringgit (tương đương 20,6% GDP) để thúc đẩy nhu cầu trong nước và tác động cấp số nhân của chi tiêu này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP hơn nữa.

Mới đây nhất, ngày 17/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố gói kích thích mới trị giá 20 tỷ ringgit nhằm thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Sau hơn một năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, hơn 1.000 người Malaysia đã thiệt mạng.

Cuối tháng 1 vừa qua, số ca nhiễm đã đạt con số kỷ lục, 5.725 ca/ngày, các bác sỹ, y tá và bệnh viện dường như quá tải.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, 68% doanh nghiệp có doanh thu bằng 0, 70% doanh nghiệp cho biết không thể trụ nổi quá 2 tháng khi họ phải cho nhân viên nghỉ việc nhưng vẫn phải trả lương.

Tất cả những điều đó đã đặt chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin đứng một bài toán vô cùng hóc búa và nhiều ẩn số.

Tuy nhiên, phương trình nào cũng có cách giải. Với quyết tâm mạnh mẽ, huy động sự đoàn kết và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh tay nhằm vực dậy nền kinh tế, đến thời điểm hiện tại, chính phủ Malaysia đã tạm kiềm chế được sự lây lan SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Hiện nền kinh tế đã hoạt động trở lại bình thường, những hàng ăn sáng, thợ cắt tóc, vốn là những ng dễ bị ảnh hưởng nhất của MCO đã được hoạt động trở lại. Số ca nhiễm đã giảm xuống còn 1.000 ca/ngày.

Sau một năm vất vả chống dịch, người dân Malaysia đã nhìn thấy chiếc cầu vồng của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục