Cây thu nhập “tỷ đô” có thể giúp xóa nghèo ở Tây Nguyên và Tây Bắc

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển cây mắcca, đây là loại cây trồng đem lại thu nhập cao thu lợi nhuận “tỷ đô” cho người sản xuất và hiện đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cây thu nhập “tỷ đô” có thể giúp xóa nghèo ở Tây Nguyên và Tây Bắc ảnh 1Hạt mắcca được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt.” (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Cây mắcca (có tên khoa học là macadamia) là một giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên, trong những năm gần đây, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắcca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt, được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt” và mang lại thu nhập “tỷ đô” cho người sản xuất.

“Cây làm giàu”

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, cây mắcca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây càphê, cây điều, thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện cung không đủ cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc cho biết, đến nay, Việt Nam đã quy hoạch được 200.000ha ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc, với hơn 10 loại giống mắcca phù hợp để trồng. Dự kiến, đến 2025 có thể đạt 200.000 tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.

“Thực tế canh tác cho thấy một cây mắcca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha, theo đó có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm. Cũng vì thế, người ta gọi mắcca là cây ‘tỷ đô’,” Tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc phân tích.

Đồng quan điểm, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc cũng cho biết dựa vào tài liệu nghiên cứu khoa học và những điều kiện thực tế, cây mắcca hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái vùng.

“Với tiềm năng khoảng 120.000 ha (chi phí trung bình cho 1 ha là 50-75 triệu đồng/ha, sau 4 năm trồng đã cho sản phẩm trung bình từ 2,5-3 tấn/ha và lợi nhuận khoảng 200-250 triệu/ha). So với cây cao su và các cây lâm, nông nghiệp khác đã và đang triển khai ở vùng Tây Bắc, cây mắcca có ưu thế và lợi ích cao hơn rất nhiều lần và có thể phát triển thành một ngành kinh tế kết hợp giữa lâm, nông, công nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc và được xem là “cây làm giàu” cho vùng đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng,” ông Cừ cho hay.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2014, tổng sản lượng mắcca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn (hạt nguyên vỏ) về lượng và đạt khoảng 820 triệu USD về giá trị. Tốc độ tăng trưởng của thị trường từ năm 2006 đến nay trung bình từ 10-15%/năm.

Từ 820 triệu USD mắcca nguyên liệu này, ngành công nghiệp chế biến mắcca đã nâng giá trị các sản phẩm sau chế biến từ 5 lên 40 lần, tức là có thể đạt tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. 

Gấp 5 lần diện tích cây mắcca thế giới

Khẳng định về tiềm năng để phát triển cây cho lợi nhuận cao này, ông Trương Xuân Cừ cho rằng, trong tương lai, ngành mắcca chắc chắn sẽ được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, không chỉ từ ngân sách nhà nước, mà sẽ còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Cây thu nhập “tỷ đô” có thể giúp xóa nghèo ở Tây Nguyên và Tây Bắc ảnh 2Các sản phẩm từ hạt mắcca được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh các các sản phẩm mắcca và được tiêu thụ rất tốt trên thị trường.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phầm từ mắcca, Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT International) đang gặt hái được nhiều thành công từ mặt hàng này.

Ông Lê Tùng Anh, Giám đốc dự án mắcca của công ty IDT International cho biết, trong lĩnh vực nhập khẩu và chế biến các sản phẩm mắcca, IDT International hiện nay đã cung cấp cho thị trường 32 loại sản phẩm mang thương hiệu Delix với nguồn hạt mắcca cao cấp nhập khẩu từ  Australia, bao gồm nhân mắcca tự nhiên hoặc tẩm gia vị, hạt mắc ca rang nứt vỏ…

“Các sản phẩm hiện đang rất được người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là loại mắcca rang muối, tẩm mật ong, quế, càphê… Tuy nhiên, về vấn đề tiêu dùng mắcca, hiện nay thị trường tại Việt Nam cung vẫn chưa đủ cầu, do đó cần có nhiều chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu tạo điều kiện doanh nghiệp kinh doanh trong nước hơn nữa,” Giám đốc Lê Tùng Anh phân tích.

Mặt khác, ông Trương Xuân Cừ cũng cho biết, theo các tài liệu thống kê, thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt); so với nhu cầu, nguồn cung đến năm 2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 25-30% lượng cầu.

"Diện tích cây mắcca trên thế giới hiện chỉ đạt 40.000ha do quỹ đất của các nước phù hợp với cây mắcca không nhiều, trong khi Việt Nam đã quy hoạch được 200.000 ha, gấp 5 lần tổng diện tích hiện có của thế giới. Từ đó, thấy rằng nhu cầu của sản phẩm mắcca là rất lớn. Thực tế, chúng ta đã quy hoạch, nghiên cứu, thử nghiệm và đã thu được kết quả bước đầu, cho thấy hiệu quả phát triển cây mắcca là rất khả quan,” ông Cừ nhấn mạnh./.

Hạt mắcca được biết đến là loại hạt ngon nhất, có vỏ cứng nhất. Hạt mắcca tròn như hạt nhãn, bên trong lõi có màu kem sữa và láng bóng, đường kính hạt từ 2-3 cm. Hạt có vị thơm mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng bởi mắc ca có chứa hàm lượng chất béo rất cao.

Hạt mắcca dùng để làm thực phẩm và dược liệu tốt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhân của hạt mắcca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc (44,8%), nhân điều (47%)… Trong dầu của mắcca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứu động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin trong đó có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục