CBM giúp Quảng Ngãi xây mô hình giáo dục trẻ em khuyết tật

CBM giúp Quảng Ngãi xây mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

Tổ chức quốc tế CBM cam kế hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi cải thiện đời sống cho người khuyết tật và xây dựng mô hình hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho các đối tượng này.
CBM giúp Quảng Ngãi xây mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ảnh 1Dạy viết chữ cho các tre em khuyết tật. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 21/9, Đoàn công tác của Tổ chức phát triển quốc tế nguồn cơ đốc giáo (CBM) do bà Liz Cross, Phó trưởng đại diện CBM khu vực châu Á làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật.

Đây là lần thứ 2 tổ chức này đến Quảng Ngãi. Tại buổi làm việc, đại diện phía CBM nêu rõ, đoàn công tác đến Quảng Ngãi tìm hiểu, thu thập thông tin phục vụ việc xây dựng tại tỉnh một mô hình hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong tương lai.

Tổ chức này cũng cam kết sẽ góp sức với Quảng Ngãi trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, người có nguy cơ khuyết tật thông qua hợp tác với các tổ chức đối tác tại địa phương.

Đoàn cũng mong muốn Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phối hợp tích cực với tổ chức CBM để đào tạo đội ngũ giáo viên cốt cán, bài bản đáp ứng được yêu cầu của dự án...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết: Quảng Ngãi rất quan tâm đến vấn đề hòa nhập của trẻ em khuyết tật. Do đó, tỉnh đánh giá cao mô hình hỗ trợ giáo dục hòa nhập mà tổ chức CBM đưa ra.

Thời gian tới, tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuyển trường khuyết tật của tỉnh thành Trung tâm khuyết tật.

Phó Chủ tịch Lê Quang Thích cũng đề nghị tổ chức CBM giúp đỡ tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo khoảng 40 giáo viên cốt cán để đội ngũ này truyền đạt lại kiến thức cần thiết cho giáo viên tại 14 huyện/thành phố của tỉnh về giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

Quảng Ngãi cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách theo chủ trương của Chính phủ để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả tại địa phương.

Theo số liệu điều tra mới đây nhất của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi và ngành giáo dục, Quảng Ngãi hiện có 5.459 trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 0- 16 tuổi. Trong đó, trẻ khuyết tật đi học hòa nhập 1.168 em, chiếm tỷ lệ 21,4%; trẻ khuyết tật không đi học 4.291 em, chiếm 78,6%.

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, chương trình giáo dục hòa nhập chỉ mới thực hiện tại tỉnh từ năm 2002. Trước khi có chương trình này, việc đi học của trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2001-2002, Sở đã chính thức chỉ đạo toàn ngành thực hiện giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, chủ yếu tập trung vào hai bậc mầm non và tiểu học.

Giai đoạn này, chủ yếu là vận động và tiếp nhận trẻ khuyết tật tới trường để hòa nhập vào môi trường học tập, vui chơi với bạn bè.

Hầu hết các giảng viên giảng dạy chưa có nghiệp vụ về loại hình giáo dục mới mẻ này nên chưa đặt nặng về dạy văn hóa.

Chương trình này đến nay vẫn được duy trì. Đến giai đoạn 2013- 2014, công tác hòa nhập trẻ khuyết tật mới được triển khai đến bậc trung học cơ sở.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi vẫn tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Kết quả, về giáo dục chuyên biệt, từ năm 2007 đến nay đã giảng dạy được 8 khóa, giúp trên 50 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng; 32 em đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học 32 em.

Về giáo dục hướng nghiệp-dạy nghề (thủ công mỹ nghệ, làm hoa, photoshop, nghề may, may công nghiệp, vi tính) đến nay có gần 30 em thành thạo nghề và tự nuôi sống bản thân với mức lương từ 2,5- 3,5 triệu đồng/tháng tại các công ty may và khu công nghiệp trong tỉnh…

Tổ chức CBM do ông Pastor Ernst J. Christoffel sáng lập vào năm 1908. Từ năm 1982, CBM đã triển khai những dự án hỗ trợ cho Việt Nam thông qua Bệnh viện Mắt Trung ương và các đối tác cấp tỉnh; chính thức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục