CEO Zuckerberg: Nội dung trên Facebook nên được quản lý

CEO Facebook, Zuckerberg cho rằng cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để đặt mạng xã hội này "ở đâu đó giữa các hãng tin tức và các hãng sản xuất thiết bị về trách nhiệm với nội dung có hại."
Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức. (Nguồn: dpa)
Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức. (Nguồn: dpa)

Đề cập đến những nội dung có hại trên mạng xã hội Facebook, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đã thừa nhận rằng mạng xã hội này cần được kiểm soát.

Tuy nhiên ông Zuckerberg cho rằng cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để thực hiện điều đó, nhằm đặt Facebook "ở đâu đó giữa các hãng tin tức và các hãng sản xuất thiết bị về trách nhiệm."

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) ngày 15/2, CEO của Facebook nói: "Hiện tại có hai khung pháp lý mà tôi nghĩ mọi người dành cho các ngành công nghiệp hiện tại - đó là báo chí-phương tiện truyền thông hiện có và sau đó là mô hình kiểu telco này - loại 'dữ liệu chỉ chảy qua bạn."

"Nhưng bạn sẽ không thể buộc một công ty viễn thông chịu trách nhiệm nếu ai đó nói điều gì đó có hại trên đường dây điện thoại." - ông Zuckerberg đặt vấn đề.

Facebook "nên ở đâu đó ở giữa," ông Zuckerberg nói thêm.

[Tỷ phú Elon Musk: Facebook là một thứ "lạc lõng, hãy xóa nó đi!"]

Các gã khổng lồ truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Google đã phải đối mặt với sự giám sát của các chính phủ sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến phát ngôn thù hận, can thiệp bầu cử, rò rỉ dữ liệu khách hàng và các vấn đề khác.

Trước đó vị CEO của Facebook từng hoan nghênh việc áp đặt các khuôn khổ pháp lý và đã đưa ra ý tưởng thành lập các nhóm nghiên cứu để tư vấn cho cơ quan quản lý xây dựng các quy định và đảm bảo rằng các công ty như Facebook sẽ thực thi chúng.

Đầu tuần qua, ông chủ Facebook thừa nhận mạng xã hội lớn nhất thế giới đã sẵn sàng trả thuế cao hơn ở châu Âu.

Facebook và các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn khác, bao gồm Amazon và Google, phải chịu áp lực từ nhiều nước trên thế giới vì đã không trả phần thuế được cho là phát sinh từ hoạt động kinh doanh ở các quốc gia này, trong khi chỉ nộp thuế cho lợi nhuận ở các nước nơi mà các công ty này đặt trụ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục