"Cha đẻ" Flappy Bird xuất hiện trên Rolling Stone

"Cha đẻ" Flappy Bird xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone

Tạp chí uy tín của Mỹ Rolling Stone vừa có bài viết chân dung được thực hiện khá công phu về Nguyễn Hà Đông, lập trình viên 28 tuổi đã tạo nên Flappy Bird.
"Cha đẻ" Flappy Bird xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone ảnh 1Nguyễn Hà Đông trong buổi trò chuyện với phóng viên Rolling Stone.
(Bản quyền ảnh thuộc về Vietnam+. Đề nghị không sao chép ảnh này nếu không được phép bằng văn bản)
 

Website của tạp chí Rolling Stone vừa đăng bài của nhà văn David Kushner viết về Nguyễn Hà Đông, lập trình viên 28 tuổi đã tạo nên Flappy Bird, trong đó tác giả đã tiết lộ lý do chủ yếu dẫn tới quyết định gỡ bỏ trò chơi gây sốt trên toàn thế giới, cũng như những cảm xúc và dự định mới của mình. Bản đầy đủ sẽ đăng trên tạp chí in Rolling Stone số 27/3/2014.

Rolling Stone là tạp chí âm nhạc hàng đầu thế giới, nhưng thường có những bài viết chân dung cô đọng và sắc sảo về những nhân vật nổi tiếng, từ chính trị gia, ngôi sao ca nhạc, thể thao, nhân vật của công chúng có uy tín lớn. Chỉ riêng việc xuất hiện trên tạp chí này đã là một niềm vinh hạnh đối với nhiều người, chứng tỏ vai vế của họ trong xã hội.

Vietnam+ xin giới thiệu tới độc giả nguyên văn bài viết này.

"Tháng Tư năm ngoái, Nguyễn Hà Đông, một chàng trai 28 tuổi ít nói sống cùng cha mẹ ở Hà Nội và có công việc là lập trình thiết bị định vị cho những chiếc xe taxi, đã dành cả một ngày nghỉ cuối tuần để làm một trò chơi cho điện thoại di động.

Anh muốn trò chơi thật đơn giản nhưng thách thức, chứa tinh thần của các trò chơi Nintendo (điện tử 4 nút) mà anh đã say mê khi còn nhỏ. Mục tiêu là bay một con chim có mắt to, môi dày giữa những chiếc ống thẳng đứng màu xanh. Người chơi gõ vào màn hình càng nhanh, con chim càng vỗ cánh bay cao hơn. Anh gọi trò chơi là Flappy Bird.

Trò chơi được đưa lên cửa hàng ứng dụng App Store của hệ điều hành iOS trong ngày 24/5. Thay vì thu phí Flappy Bird, Hà Đông phát hành trò chơi miễn phí và chỉ hy vọng sẽ thu được vài trăm USD mỗi tháng từ ứng dụng quảng cáo cài trong trò chơi.

Với với việc có khoảng 25.000 ứng dụng mới được tung lên mạng mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng chìm nghỉm giữa đám đông và giống như một thất bại - cho tới tận tám tháng sau, khi một chuyện điên rồ xuất hiện. 

Đó là khi trò chơi được vô số người tải xuống và chơi. Tới tháng 2/2014, nó đã đứng đầu bảng xếp hạng trên hơn 100 nước và đã được tải xuống hơn 50 triệu lần. Hà Đông có thu nhập ước tính 50.000 USD mỗi ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg (sáng lập viên Facebook) cũng không thể giàu nhanh tới thế.

Nhưng ngay cả khi cơn điên Flappy Bird đang ở đỉnh, Hà Đông vẫn là một bí ẩn. Ngoài việc thi thoảng nhắn tin tweet lên Twitter, anh chẳng nói nhiều về câu chuyện đáng kinh ngạc của mình. Anh tránh báo giới và từ chối không cho chụp ảnh. Anh bị người ta gọi là kẻ lừa đảo, một tên trộm. Các blogger cáo buộc anh thuổng ý tưởng nghệ thuật từ Nintendo. Trang trò chơi điện tử ăn khách Kotaku viết hẳn một bài báo với tít lớn, được nhiều người đọc: "FLAPPY BIRD ĐANG KIẾM ĐƯỢC 50.000 USD MỖI NGÀY NHỜ CHÔM Ý TƯỞNG".

2 giờ 2 phút sáng 9/2 theo giờ Hà Nội, một tin nhắn xuất hiện trên tài khoản của Hà Đông. "Tôi xin lỗi người dùng 'Flappy Bird'"- tin nhắn viết - "22 giờ kể từ thời điểm này, tôi sẽ gỡ 'Flappy Bird' xuống (khỏi các cửa hàng ứng dụng). Tôi không thể chịu đựng được nữa". 

Tin nhắn này được chia sẻ (retweet) hơn 145.000 lần bởi cộng đồng mạng, vốn không tin vào nội dung trong nó. Làm sao một người vừa trúng độc đắc lại dễ dàng từ bỏ tới vậy. Nhưng khi đồng hồ chạm mốc nửa đêm vào buổi tối tiếp theo, câu chuyện đã kết thúc. Như đã nói, Hà Đông đã gỡ Flappy Bird xuống. Khi làm thế, anh khiến hàng triệu game thủ, với cảm giác bị ruồng rẫy, đặt ra một câu hỏi lớn: "Gã này là ai thế và gã đã vừa làm cái quái gì thế?"

Hai tuần sau khi Flappy "qua đời", phóng viên Rolling Stones đã đi tới ngoại ô Hà Nội để gặp Hà Đông, người lần đầu tiên đồng ý chia sẻ với Rolling Stone toàn bộ câu chuyện của mình. Với việc bị báo chí quốc tế và địa phương săn lùng, Hà Đông đã quyết định ẩn náu. Anh tới sống tại một căn hộ của bạn và vẫn ở đó cho đến nay.

Mặc dù các tỷ phú dot-com đã trở thành hiện tượng quen thuộc ở Mỹ, tại cộng đồng công nghệ còn non nớt của Việt Nam, họ vẫn ít được biết tới. Khi nhân vật công nghệ đặc biệt nổi tiếng đầu tiên của đất nước, với thân hình mảnh dẻ trong chiếc quần jean và áo thun màu xám, bước tới có vẻ còn lưỡng lự và giới thiệu về bản thân, anh đã cẩn trọng lựa chọn từng từ ngữ, giống như đặt các điểm ảnh (pixel) lên một màn hình vậy. "Tôi chỉ định làm thứ gì đó vui vui để chia sẻ với những người khác" - anh nói qua một phiên dịch viên - "Tôi không thể dự báo trước thành công của Flappy Bird."

Lớn lên tại Vạn Phúc, ngôi làng nổi tiếng về nghề dệt lụa ở Hà Đông, Đông chưa từng tưởng tượng tới việc thành nhà thiết kế trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới. Dù cha anh sở hữu một cửa hàng bán tạp hóa và mẹ anh làm việc cho cơ quan nhà nước, gia đình vẫn không có dư tiền để mua các máy chơi điện tử Game Boy cho anh hay em trai.

Nhưng cuối cùng họ đã mua cho anh một chiếc máy Nintendo, hàng nhái. Kinh ngạc trước khả năng điều khiển một nhân vật trên màn hình, Hà Đông đã dành nhiều thời gian rảnh để chơi trò Super Mario Bros, theo một cách thức đầy ám ảnh.

Tới năm 16 tuổi, Hà Đông đã học lập trình và tạo ra trò chơi cờ trên máy tính của chính anh. Ba năm sau, khi đang theo học ngành khoa học máy tính tại một đại học ở Hà Nội, anh đã lọt vào nhóm top 20 của một cuộc thi lập trình và được nhận vào thực tập vào một trong các công ty game duy nhất của Hà Nội khi đó là Punch Entertainment, nơi chuyên làm game cho điện thoại di động.

Bùi Trường Sơn, sếp cũ của Hà Đông, nói rằng chàng trai trẻ đã nổi bật hơn những người khác vì tốc độ, kỹ năng làm việc và tinh thần độc lập mạnh mẽ. "Hà Đông chẳng cần người giám sát" - ông Sơn nói - "Cậu ấy không thoải mái với việc đó. Vì thế chúng tôi nói rằng cậu ấy chẳng phải báo cáo với ai cả".

Hà Đông nhanh chóng mệt mỏi với việc phải làm ra các trò chơi thể thao cho công ty. Khi được chạm tay vào một chiếc điện thoại iPhone, anh đã rất hứng thú với các khả năng của màn hình cảm ứng. Tuy nhiên có ít trò chơi chứa đựng sức mạnh đơn giản của các trò Nintendo mà anh chơi khi còn bé.

"Cha đẻ" Flappy Bird xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone ảnh 2Điện thoại đã cài sẵn Flappy Bird được rao bán trên eBay 

Anh nghĩ rằng Angry Birds trông quá đông đúc. "Tôi không thích đồ họa của nó" - anh nói - "Trông chật chội quá". Hà Đông muốn làm các trò chơi cho những người giống như mình: bận rộn, luôn di chuyển. "Tôi đã mường tượng ra cách người ta chơi game thế nào" - anh nói khi dùng một tay gõ vào chiếc iPhone của mình và giơ tay còn lại lên trên không - "Một tay họ nắm lấy các dây đeo gắn trên tàu". Anh đã làm game cho những người như thế.

Khi cuộc trò chuyện kéo dài tới lúc trời xẩm tối, phóng viên để ý thấy vô số người tham gia giao thông ở phía dưới vừa bận rộn luồn lách trên đường, vừa dùng điện thoại và ánh đèn màn hình hắt lên như những đốm lửa lập lòe. Không ngạc nhiên khi trò chơi hút khách bậc nhất thế giới tới từ đây. "Khi anh chơi game trên điện thoại thông minh" - Hà Đông nói khi điếu thuốc vẫn không rời môi anh - "Cách đơn giản nhất là gõ trên màn hình".

Tháng Tư năm ngoái, Hà Đông đang gõ iPhone trên màn hình khi cả Hà Nội đang ăn mừng ngày Thống nhất đất nước. Thay vì đi nghỉ như mọi người, Hà Đông nằm trong phòng ngủ tại nhà của cha mẹ, tạo ra một trò chơi nho nhỏ với mục đích giải trí, dưới ánh mắt của nhân vật Mario anh vẽ ra và treo trên tường.

Đầu tháng đó Hà Đông đã tạo và phát hành một trò chơi di động khác tên Shuriken Block. Mục tiêu là ngăn không cho vô số các phi tiêu ninja xuyên vào 5 người đàn ông nhỏ thó trên màn hình. Trò chơi cũng rất đơn giản với một chữ hướng dẫn duy nhất là GÕ (TAP). Gõ vào các phi tiêu đang bay tới đúng thời điểm và nó sẽ nẩy theo hướng khác. Hà Đông hiểu được tinh thần cốt lõi của hoạt động làm game mà Nolan Bushnell, cha đẻ trò Pong và sáng lập viên hãng Atari, mô tả là "dễ học nhưng khó làm chủ".  

Gần đây các nhà sản xuất game nhỏ đã đưa tinh thần này tới giới hạn, khi tạo ra thể loại game gọi là masocore - các trò chơi khó kinh hoàng. Shuriken Block rất "tàn nhẫn". Ngay cả một người nhanh trí nhất cũng khó có thể chơi game trong vòng 1 phút, trước khi 5 người đàn ông trong game trúng phi tiêu tóe máu. Hà Đông hài lòng với kết quả, nhưng trò chơi thì lụi tàn tại cửa hàng ứng dụng iOS.

Với trò chơi mới này, Hà Đông tìm ra một cách đơn giản hóa hơn nữa hoạt động giải trí: cho phép người chơi gõ vào bất kỳ nơi nào trên màn hình. Tất cả những gì anh cần chỉ là một ý tưởng để xây dựng trò chơi. Năm trước đó, anh đã vẽ hình một con chim nhiều hạt trên máy tính cá nhân của mình, dựa vào một con cá của Nintendo mang tên Cheep Cheeps (có trong trò Super Mario Bros.).

Anh đã vẽ các cây cột màu xanh - như một sự tưởng nhớ tới trò Super Mario Bros. – mà con chim phải bay qua. Anh thiết kế trò chơi dựa trên hoạt động của món đồ chơi paddleball. Đồ chơi này có thiết kế rất đơn giản, chỉ gồm một thứ giống mái chèo bằng gỗ, gắn với một sợi dây có đầu bên kia gắn vào một quả bóng cao su. Mái chèo đập vào sẽ khiến bóng nẩy ra, nhưng sợi dây làm bóng quay trở lại phía mái chèo. Người chơi sẽ phải rất may mắn mới có thể dùng mái chèo đập được bóng vài lần liên tiếp.

Giống paddleball, Hà Đông giới hạn trò chơi của mình xuống chỉ vài yếu tố - con chim và những cây cột. Anh không bổ sung các yếu tố mới khi người chơi bắt nhịp và đạt tiến triển trong trò chơi. Anh điều chỉnh để con chim phải vất vả chống chọi với trọng lực và ngay cả một cú nhấn sai lầm nhỏ nhất cũng có thể giết chết nó. Do cái chết của con chim thường xảy ra nên Hà Đông muốn nó phải thật vui.

Ban đầu anh thử cho con chim phát nổ tóe máu, hoặc nẩy lại, trước khi cho nó cắm mặt xuống đất. Anh cũng chọn hàng trăm âm thanh trước khi chọn tiếng động giống như màn đánh võ để khiến cái chết của con chim hài hước hơn (câu đầu tiên Hà Đông hỏi khi gặp phóng viên là trò chơi có gây cười khi chơi không). "Con chim đang bay rất yên bình" - anh nói và cười - "Rồi đột nhiên nó chết".

Trước khi ngày lễ kết thúc, Hà Đông đã lên Twitter và tải vài tấm ảnh chụp màn hình về trò chơi mới nhất của anh. Hà Đông nói rằng anh không có hoạt động tiếp thị nào đằng sau trò chơi cả. Và giống như nhiều game khác được tung vào dòng lũ, Flappy Bird chìm nghỉm. Trò chơi chỉ được nhắc tới lần đầu trên Twitter vào 5 tháng sau đó, trong ngày 4/11, khi có người viết đánh giá với mấy chữ vỏn vẹn: "Trò Flappy Bird khốn kiếp".

Cố gắng tìm hiểu vì sao trò chơi ăn khách cũng giống như cố bay con chim vậy: bạn sẽ nhanh chóng dập mông xuống đất. Nhưng cụm từ "Flappy Bird khốn kiếp" đã chứa trong nó sự hấp dẫn của trò chơi này. Flappy Bird, một trò chơi đặc biệt gây nghiện, giống một đứa con nít thò lò mũi xanh đang liên tục dùng mái chèo đập bóng vào mặt bạn vậy.  Trò chơi giống như đang cầu xin bạn trừng phạt nó. Và bạn không thể cưỡng lại hoặc ngừng chơi nó.

Tới cuối tháng 12, người chơi đã thi nhau lên các mạng xã hội để tranh tài, khoe khoang thành tích và kể lể chuyện họ đã đập điện thoại ra sao vì bực bội. Twitter bùng nổ với vô số tin nhắn về Flappy Bird, cuối cùng đã chạm mốc 16 triệu tin. Một người gọi Flappy Bird là "trò chơi khó chịu nhất nhưng tôi không thể dừng lại" và nói thêm rằng nó đang "từ từ nuốt chửng cuộc đời" mình.

Khi tin tức lan mạnh từ Reddit tới YouTube, từ các sân chơi tới các công viên trong công sở, Flappy Bird cũng theo đó mà leo lên Top 10 ứng dụng trên các bảng xếp hạng của Mỹ vào đầu tháng 1/2014. Cuối cùng, dù không được quảng cáo, và chẳng theo logic nào cả, trong ngày 17/1, Flappy Bird đã trở thành ứng dụng được đông người tải xuống nhất (trên iOS App Store). Một hoặc hai tuần sau đó, nó cũng đứng đầu Google Play.

"Thấy trò chơi ở vị trí đầu bảng, tôi cảm thấy rất phần khích" - Hà Đông kể lại. Giống những người khác, anh sốc trước việc game thăng hạng nhanh, cũng như cơn mưa tiền sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình. Ngay cả việc Apple và Google thu 30% lợi nhuận quảng cáo, Hà Đông vẫn ước tính kiếm được chừng 50.000 USD một ngày.

Không lâu sau đó, Shuriken Block và một trò mới anh vừa tạo ra mang tên Super Ball Juggling cũng cùng với Flappy Bird lọt trong Top 10. Nhưng ngoài việc mua một chiếc máy Mac mới, rủ bạn đi ăn mừng với rượu vodka và lẩu gà, Hà Đông lại không cảm thấy vui thú lắm. "Tôi không thấy quá hạnh phúc" - anh nói nhỏ nhẹ - "Tôi không biết vì sao". Điều đáng kinh ngạc là anh chẳng nói với cha mẹ về câu chuyện của mình. "Cha mẹ tôi không hiểu về các trò chơi điện tử" - anh nói.

Khi tin tức về việc Hà Đông kiếm được nhiều tiền xuất hiện, gương mặt của anh đã tràn ngập trên các tờ báo và TV. Đó là khi cha mẹ anh lần đầu biết tin rằng con mình đã làm ra trò chơi. Các tay săn ảnh bao vây nhà Hà Đông và anh không thể ra khỏi nhà mà không bị người khác để ý. Trong khi với người khác, những điều này có vẻ như là một cái giá nhỏ phải trả cho sự giàu có và nổi tiếng như thế, cá nhân Hà Đông lại cảm thấy ngột ngạt. "Đó là thứ tôi chưa từng mong muốn" - anh nhắn tin lên Twitter - "Làm ơn trả lại sự yên bình cho tôi".

Nhưng Hà Đông nói rằng điều khó khăn nhất lại không phải việc đời tư bị xâm phạm. Anh đưa cho phóng viên Rolling Stones chiếc điện thoại iPhone, trong có chứa một số tin nhắn anh đã lưu lại. Một tin nhắn gửi đi từ một người phụ nữ đã nhiếc móc anh vì "làm rối trí trẻ em trên toàn thế giới" . Người khác nói rằng "13 đứa trẻ ở trường tôi đập điện thoại vì trò chơi của cậu và chúng vẫn tiếp tục chơi vì nó gây nghiện như ma túy vậy".

Hà Đông còn kể cho phóng viên về những lá thư điện tử của những người đã mất việc, một bà mẹ đã ngừng nói chuyện với các con. "Đầu tiên tôi tưởng họ chỉ đùa" - anh nói - "Nhưng rồi tôi thấy họ đã thực sự làm tổn thương mình".

Hà Đông, người từng học kém ở trung học bởi  chơi quá nhiều trò Counter-Strike (game bắn súng theo đội góc nhìn thứ nhất) đã ghi những thông điệp đó vào trong tâm khảm của anh.

Đầu tháng Hai vừa qua, sức nặng của mọi thứ, từ sự xăm soi, sự chỉ trích và cáo buộc của dư luận đã nghiền nát Hà Đông. Anh không thể ngủ, không thể tập trung, không muốn ra khỏi nhà. Anh nói rằng cha mẹ lo lắng về sức khỏe của mình. Các tin nhắn tweet của Hà Đông trở nên u ám hơn, kín đáo hơn. "Tôi có thể gọi Flappy Bird là sự thành công của mình" - anh nhắn - "Nhưng nó cũng phá hủy cuộc sống đơn giản của tôi. Vì thế giờ đây tôi căm ghét nó."

Anh nhận ra mình chỉ còn một lựa chọn duy nhất: rút bỏ trò chơi. Sau khi anh nhắn tin sẽ rút bỏ game, 10 triệu người đã tải nó trong vòng 22 giờ. Rồi anh nhấn nút và Flappy Bird biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng. Khi phóng viên hỏi vì sao lại làm vậy, Hà Đông trả lời với sự tin tưởng chắc chắn đã giúp anh tạo ra trò chơi: "Tôi là chủ nhân số phận của mình. Một người tư duy độc lập".

Sau khi Flappy Bird "chết", tin đồn lan mạnh. Người ta đồn rằng Hà Đông đã tự sát. Nintendo đã khởi kiện nên anh phải giết game. Việc anh từ chối nói ra đã khiến phỏng đoán tăng cao.

Để lấp đầy hố sâu khổng lồ do Flappy Bird để lại, vô số trò chơi nhái theo game đã xuất hiện để thu lợi. Vào thời điểm phóng viên Rolling Stones kiểm tra, ba ứng dụng miễn phí số 1 trên iOS App Store đều là các trò chơi ăn theo Flappy Bird, gồm Flappy Wings, Splashy Fish và thậm chí là cả một trò chơi dựa trên Miley Cyrus.

Theo một khảo sát, cứ 24 phút lại có một trò chơi ăn theo Flappy Bird xuất hiện. "Người ta có thể sao chép ứng dụng này vì sự đơn giản của nó" - Hà Đông nói - "Nhưng họ sẽ không bao giờ có thể làm ra một Flappy Bird khác." Thực vậy, với những người chỉ thích "hàng xịn", những chiếc điện thoại đã cài Flappy Bird đang được rao bán với giá hàng ngàn đôla trên eBay.

Nhưng cái chết của Flappy Bird cũng giúp đưa ra những nhận định mới về Hà Đông. Kotaku xin lỗi vì cáo buộc thuổng ý tưởng. John Romero, đồng sáng lập trò chơi Doom, nói rằng Flappy Bird là "một phản ứng chống lại các thiết kế (game) thịnh hành, theo cách thức han rỉ là một phản ứng với kim loại". "Bố già" của các trò chơi điện tử là Bushnell đã so sánh trò chơi với "siêu phẩm" Pong của mình: "Các trò chơi đơn giản gây hài lòng hơn".

Với Hà Đông, hàng triệu người đã tải Flappy Bird vẫn đang giúp anh kiếm hàng chục ngàn đôla. Anh đã bỏ việc và đang nghĩ tới việc mua một chiếc Mini Cooper cùng một căn hộ. Anh cũng mới làm hộ chiếu. Nhưng hiện tại anh đang làm điều mình yêu thích nhất: tạo ra các trò chơi.

Anh cho phóng viên xem ba dự án game mà bản thân đang triển khai: một trò bắn súng có chủ đề cao bồi không tên, một trò chơi bay theo chiều thẳng đứng mang tên Kitty Jetpack và một "trò chơi cờ mang tính hành động" mang tên Checkonaut, sẽ được công bố trong tháng này. Các trò chơi đều có điểm chung: lối chơi đơn giản, đồ họa hoài cổ và khó ghi điểm.

Kể từ khi rút Flappy Bird xuống, anh cảm thấy "được giải thoát". "Tôi không thể trở lại cuộc đời trước kia của mình, nhưng hiện tôi ổn" - anh nói.

Về tương lai của Flappy Bird, Hà Đông vẫn từ chối bán trò chơi. Anh cũng từ chối thỏa hiệp về sự độc lập của mình. Nhưng liệu Flappy Bird có vỗ cánh trở lại? "Tôi đang cân nhắc điều này" - Hà Đông nói.

Anh hiện không lập trình một phiên bản mới của trò chơi. Nhưng nếu như tung trò chơi ra trở lại, chắc chắn anh sẽ gắn kèm cảnh báo: "Làm ơn hãy tạm nghỉ". 

Tác giả bài viết về Nguyễn Hà Đông trên Rolling Stone là David Kushner, một nhà báo và tác gia đã đoạt nhiều giải thưởng. Ngoài việc cộng tác với Rolling Stone, Kushner còn viết cho các tạp chí danh tiếng như The New Yorker, Vanity Fair, Wired, New York Times Magazine, New York, GQ.

Các cuốn sách của ông được nhắc đến nhiều, nhất là "Masters of Doom," hay "Jonny Magic and the Card Shark Kids." Ông còn là nhà sản xuất và cây viết cho website âm nhạc tiên phong SonicNet vào giữa thập niên 1990.

Kushner còn là nhà bình luận về văn hóa digital trên đài phát thanh NPR và là giáo sư báo chí của Đại học New York. Một số sách và bài bài của Kushner đang được dựng thành phim truyện hoặc phim truyền hình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục