Chăm lo đội ngũ, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng

500 đại biểu đã hội tụ về Nhà hát Lớn dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2015) và Hội nghị thi đua toàn quốc của Hội.
Chăm lo đội ngũ, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng ảnh 1Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 20/4, tại Hà Nội, 500 đại biểu tiêu biểu đại diện cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trong cả nước, các nhà báo lão thành đã hội tụ về Nhà hát Lớn dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2015) và Hội nghị thi đua toàn quốc của Hội.

Đây là hoạt động thiết thực của Hội Nhà báo Việt Nam hòa chung hào khí tháng Tư cùng nhân dân cả nước kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội đã đến dự và chia vui với các thế hệ người làm báo cách mạng cả nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là dịp để các cấp Hội, hội viên - nhà báo cả nước tự hào về truyền thống vẻ vang, phát huy những thành tích đã đạt được.

Đồng thời đây cũng là dịp những người làm báo cả nước nghiêm túc khắc phục các hạn chế, thấm nhuần sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xã hội của báo chí, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định để đạt được mục tiêu to lớn trên, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội theo tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Hội cần tiếp tục chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ người làm báo, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Những người làm báo cách mạng cả nước tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng và phong cách làm báo của Người để xây dựng đội ngũ nhà báo, hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cao.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đề nghị đội ngũ người làm báo cả nước tổ chức, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược gồm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đấu tranh không khoan nhượng với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chóng phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Hội cũng cần kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động động viên, cổ vũ các nhà báo, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần tham gia và góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí, thúc đẩy phát triển nền báo chí nước nhà; không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Hội, mở rộng quan hệ quốc tế.

Trong ngày kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo Việt Nam không bao giờ quên công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, với tầm nhìn xa trông rộng và hiểu rõ vai trò của báo chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo xây dựng nền báo chí cách mạng cũng như tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo.

Năm 1925, Người đã sáng lập báo Thanh Niên để tuyên truyền, vận động cách mạng. Khi cách mạng thành công, Người giao cho ông Xuân Thủy tập hợp các nhà báo để lập ra tổ chức của những người làm báo.

Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch đầu tiên, lúc đó là Hội trưởng. Các nhà báo Đỗ Đức Dục, Hoàng Tùng làm Phó Hội trưởng.

Tại Đại hội lần thứ II năm 1959, Hội đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất thành Hội Nhà báo Việt Nam.

Từ con số gần 300 hội viên buổi đầu tiên thành lập trên chiến khu Việt Bắc ngày 21/4/1950, trải qua 9 kỳ Đại hội, đến nay, tổ chức Hội Nhà báo đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với 22.000 hội viên, hoạt động trên khắp mọi miền đất nước.

Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát triển lớn mạnh qua 7 thế hệ lãnh đạo, từ những nhà báo Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Phan Quang, Hồng Vinh, nhà báo Đinh Thế Huynh, đến nay là nhà báo Thuận Hữu.

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, hơn 400 hội viên, nhà báo đã ngã xuống trên các chiến trường khi đang tác nghiệp. Đó là sự hy sinh, cống hiến bằng xương máu của đội ngũ những người làm báo cách mạng.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết 65 năm quan, Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của người làm báo là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong dòng chảy của thời đại.

Truyền thống là nền tảng vững chắc, hiện tại là thời gian để các nhà báo, hội viên cả nước tiếp bước, nối dài, phát huy thành tích của Hội.

Đó cũng là những điều mà những người làm công tác Hội hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh hơn, khởi sắc hơn, có trách nhiệm hơn trước vận hội mới của đất nước…

Các phong trào thi đua yêu nước của những người làm báo đã thực sự trở thành hành động cách mạng, là động lức thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Hội.

Phong trào thi đua của những người làm báo trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước hôm nay thể hiện thiết thực qua từng tác phẩm, 22.000 hội viên - nhà báo đang công tác tại hơn 800 cơ quan báo chí cả nước, từng trang viết đều có sự nhiệt huyết và vì sự phát triển chung của nền báo chí nước nhà.

Bản thân những người làm báo đã nỗ lực không ngừng, với bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm, những nhà báo đã xông pha, dấn thân, phản án chân thực cuộc sống và là người “thư ký trung thành của thời đại.” Họ luôn ở tuyến đầu trên mặt trận chống tiêu cực, trong những ngày “biển Đông dậy sóng”...

Về mặt nghiệp vụ, tuy báo chí còn mắc một vài sai phạm, có yếu kém hạn chế nhưng về cơ bản công tác thông tin được thực hiện thông suốt với luồng thông tin không ngừng nghỉ, đúng định hướng góp phần phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội và nhân dân...

Với những thành tích to lớn đã đạt được trong 65 năm qua, giới báo chí Việt Nam được nhân dân tin yêu, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần phưởng cao quý, ngay trong lễ kỷ niệm này, Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được đón nhận Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.

Cũng nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam cũng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015 và trong năm 2014.

Sau buổi lễ, đoàn đại biểu lên đường hành hương về Thái Nguyên, dự chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề "Về nơi nguồn cội."

Sáng 21/4, đoàn đến xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) thăm Nhà truyền thống, bia kỷ niệm nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam. Một cuộc míttinh quần chúng sẽ diễn ra tại đây để các đại biểu cùng ôn lại những dấu mốc lịch sử to lớn trong chặng đường 65 năm trưởng thành và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục