Tân Thủ tướng Italy

Chân dung Thủ tướng tạm quyền Italy Mario Monti

Ông Mario Monti trở nên nổi tiếng nhờ việc trừng phạt hãng máy tính khổng lồ Microsoft vì tội "kinh doanh độc quyền ở châu Âu."

Lạnh lùng, điềm tĩnh và tự chủ, tân Thủ tướng tạm quyền của Italy Mario Monti có vẻ đối lập so với người tiền nhiệm của ông, nhân vật luôn bùng nổ và mang vẻ tay chơi, Silvio Berlusconi, theo đánh giá của CNN.

Với việc được Tổng thống Giorgio Napolitano giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới, ông Monti có thể sẽ mang tới một cách tiếp cận hoàn toàn khác với việc cai quản đất nước hình chiếc ủng của ông Berlusconi trong ba năm qua.

Được gọi là “Super Mario” nhờ kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính quốc tế, ông Monti là một thành viên cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) trong một thập kỷ, bao gồm việc đảm nhiệm cương vị cao ủy ở ủy ban tài chính, thị trường và thuế từ 1995 tới 1999 và đứng đầu ủy ban cạnh tranh từ 1999 tới 2004.

Ở vai trò sau, ông Monti trở nên nổi tiếng nhờ việc ông can thiệp quyết liệt để ngăn cản việc sát nhập hai công ty Mỹ Honeywell International và General Electric.

Ông cũng đối đầu với một công ty Mỹ khác là hãng sản xuất máy tính khổng lồ Microsoft với kết luận vào năm 2004 là hãng này đã vi phạm luật cạnh tranh ở châu Âu vì “lạm dụng độc quyền đối với máy tính để bàn tại châu Âu.” Microsoft bị phạt một khoản nặng và buộc phải chia sẻ các thông tin quan trọng với những đối thủ.

Những động thái đó giúp ông Monti xây dựng danh tiếng như một nhà kỹ trị quyết đoán. Song tiếng tăm của ông đương nhiên là không sánh được với ông Berlusconi, một chính trị gia, một tay chơi thứ thiệt, tỷ phú, chủ của nhiều hãng truyền thông, công ty tài chính và cả đội bóng đá AC Milan.

Sinh năm 1943 tại thị trấn Varese ở vùng Lombardy bắc Italy, ông Monti lấy bằng cử nhân kinh tế và kinh doanh tại Đại học Bocconi, Milan. Sau đó ông học thạc sĩ ở Đại học Yale, Mỹ, rồi trở lại châu Âu.

Năm 2005, không lâu sau khi rời EC - theo tiểu sử của ông trên trang web chính thức của hội đồng này, ông Monti lập ra Bruegel, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, chuyên về các vấn đề kinh tế.

Vài năm tiếp theo, Monti bận rộn với các vấn đề quan hệ quốc tế, bao gồm việc được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bổ nhiệm đứng đầu một ủy ban thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Pháp, cũng như làm trung gian cho một thỏa thuận chia sẻ điện năng giữa Pháp và Tây Ban Nha vào năm 2008. Ông cũng làm giáo sư danh dự ở Đại học Bocconi từ 1989 tới 1994./.

 
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục