Chân sút số 1: Bàn thắng có còn là thước đo?

Rooney đang đi đến lịch sử tuyển Anh: Bàn thắng có còn là thước đo?

Rooney chỉ cần thêm 7 lần lập công nữa là sẽ chính thức vượt qua huyền thoại Bobby Charlton và trở thành chân sút số 1 trong lịch sử đội tuyển Anh.
Rooney đang đi đến lịch sử tuyển Anh: Bàn thắng có còn là thước đo? ảnh 1Wayne Rooney cần thể hiện nhiều hơn để chứng minh tài năng của mình. (Nguồn: Getty)

Với bàn thắng vừa rồi vào lưới Estonia, tiền đạo Wayne Rooney chỉ cần thêm 7 lần lập công nữa là sẽ chính thức vượt qua huyền thoại Bobby Charlton và trở thành chân sút số 1 trong lịch sử đội tuyển Anh.

Xét về mặt lý thuyết, đây là một thành tích hoàn toàn tuyệt vời nhưng trên thực tế những kỷ lục này của Rooney chẳng mang quá nhiều ý nghĩa.

Trong 43 bàn mà Rooney ghi cho "Tam Sư" đến thời điểm hiện tại chỉ có … 6 bàn là được ghi tại các vòng chung kết Euro và World Cup, những nơi mà đội tuyển Anh thực sự cần những bàn thắng của tiền đạo M.U.

Và một con số đáng để chú ý nữa là 4/6 bàn thắng đó được ghi tại Euro 2004, giải đấu ra mắt của Rooney trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Không chỉ Rooney vươn lên danh sách những chân sút vĩ đại nhất của một đội tuyển quốc gia bằng những bàn thắng không mang nhiều ý nghĩa mà người đồng đội của Wazza ở M.U, Robin Van Persie cũng đã thực hiện (thành công) điều đó.

Cựu đội trưởng của Arsenal đang là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan khi có được 47 bàn thắng sau 97 lần ra sân nhưng Cơn lốc màu Da cam trong thời kì của tiền đạo này không thể vươn tới đỉnh cao tại Euro hay World Cup.

Van Persie có 4 bàn thắng tại các kỳ World Cup cho Hà Lan nhưng tất cả các bàn thắng ấy chỉ xuất hiện ở … vòng bảng, gần như không có một chút sức ép nào của Hà Lan ở các vòng đấu knock-out mang tên Persie.

Vậy vấn đề được khái quát ở đây sẽ là gì? Có vẻ như càng ngày các bàn thắng lại mang ít ý nghĩa hơn trong bóng đá hiện đại. Gabriel Batistuta từng khẳng định 91 bàn thắng của Lionel Messi trong năm dương lịch 2012 không có nhiều ý nghĩa bằng số bàn thắng "Vua sư tử" ghi được cũng trong một năm dương lịch khi còn ở thời đỉnh cao. Lí do được Batigol đưa ra là Serie A vào thời điểm đó có cực kì nhiều hậu vệ xuất sắc và gần như là điều không thể khi muốn có những bàn thắng vượt qua 4,5 cầu thủ như Messi hay làm.

Luận điểm này của cựu tiền đạo Fiorentina là đúng khi vào thời điểm những năm cuối thập niên 90, các hệ thống chiến thuật chưa đạt đến mức hoàn hảo như vào thời điểm hiện tại. Tiki-taka của Pep Guardiola thời đỉnh cao có thể hoạt động chính xác không khác gì một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, bóng được luân chuyển từ thủ môn cho đến các hậu vệ, tiền vệ và rồi là khung thành nơi Messi sẽ là người chạm bóng cuối cùng. Real của Jose Mourinho thì thiết lập nên một hệ thống chiến thuật đưa bóng với tốc độ của một chiếc Ferarri lên cho các máy kiến tạo như Di Maria hay Oezil để rồi Cristiano Ronaldo đưa bóng vào lưới.

Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay cả Wayne Rooney, Robin Van Persie đều hưởng lợi từ sự phát triển vượt bậc của các hệ thống chiến thuật, nơi mà vai trò của những dạng cá nhân như Batistuta trong quá khứ được hạn chế ở mức độ nhất định mà thay vào đó là sự vận hành nhịp nhàng của cả một tập thể.

Thế nhưng khi những người ghi bàn đạt được toàn bộ vinh quang cũng như danh hiệu cho cá nhân mình thì khía cạnh tập thể luôn bị gạt xuống mức thấp nhất. Lịch sử luôn chỉ ghi danh một người.

Những bàn thắng có thể sẽ đến nhiều hơn nhưng xét trên mặt cá nhân, ý nghĩa của nó sẽ không còn quá quan trọng như trong quá khứ nữa. Và trên một vài khía cạnh, thì bàn thắng ở thời điểm hiện tại cũng không còn mang ý nghĩa thước đo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục