Chặn tin nhắn rác phải là tiêu chí đánh giá chất lượng nhà mạng?

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề xuất việc chặn tin rác là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của nhà mạng.
Chặn tin nhắn rác phải là tiêu chí đánh giá chất lượng nhà mạng? ảnh 1Tin rác phát tán làm phiền khách hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Cho rằng nếu không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp viễn thông di động thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề xuất việc chặn tin rác là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của nhà mạng.

60% tin rác là thông tin sim số

Tại Hội nghị giao ban thực hiện Chỉ thị số 82/CT-BTTTT diễn ra sáng nay (17/9), đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, thời gian qua đã ban hành 12 văn bản đề nghị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ với 37 đầu số và 372 số điện thoại phát tán tin rác, tin nhắn lừa đảo.

Đối với đối tượng kinh doanh sim rác, Sở đã xử phạt 56,25 triệu đồng, tịch thu 12.419 sim rác và 11 thiết bị có chức năng kích hoạt sim không cần bẻ sim. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, đã thanh tra 30 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 717,5 triệu đồng, truy thu về ngân sách nhà nước 330 triệu đồng, thu hồi 2 đầu số 19006668 và 19006804.

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội), các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa.

Cụ thể, Viettel phát triển và đưa vào hệ thống chặn spam vSMSC, VTTEK-hệ thống nhận dạng nội dung spam, đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015, Trong khi đó, MobiFone có hệ thống ngăn chặn tin rác theo từ khóa có dung lượng đáp ứng 15 triệu thuê bao; VinaPhone áp dụng chặn cả tần suất lẫn cú pháp từ mức 60 tin/phút giảm xuống còn 30 tin/phút và đang hướng tới 10 tin/5 phút. Gtel có hệ thống chặn tin nhắn theo tần suất online 100 tin nhắn, offline 300 tin nhắn.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đưa các số hotline để tiếp nhận thông tin của khách hàng về tin nhắn rác, lừa đảo. Tổng đài của Viettel là 19008198 và đầu số 9198, Vietnamobile là 789 và số điện thoại 0929092092, VinaPhone qua tổng đài 18001091 và MobiFone qua tổng đài 18001090.

Nhà mạng cũng đã tăng cường rà soát, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung hợp tác với mình. Tính đến tháng 8/2015, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã bị nhà mạng chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh là 10 tổng đài 1900 và 5 đầu số.

Ngoài ra, cũng tính đến tháng Tám, số lượng thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã bị chặn là 630.023 thuê bao. Trong đó, số lượng thuê bao phát tán tin nhắn rác, quảng cáo về nội dung sim số chiếm 60%, nội dung bất động sản chiếm 35%, các nội dung khác chiếm 5%.

Cần quy trách nhiệm cho nhà mạng

Không thể phủ nhận rằng các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp nhằm giảm tin nhắn rác. Tuy nhiên, thực tế thì vấn nạn này vẫn tiếp tục hoành hành, gây phiền nhiễu cho người dùng di động.

Tại Hội nghị, rất nhiều người đã tỏ ra bức xúc trước ​một số chiêu trò phát tán tin rác, tin lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo ​với khách hàng.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thẳng thắn cho rằng, tuy lượng tin nhắn rác từ đầu số của doanh nghiệp đã giảm, nhưng vẫn còn khá nhiều tồn tại. Trong đó, phải kể đến việc các nhà mạng chưa quyết liệt trong việc xử lý các thuê bao trả trước không đăng ký thông tin chính xác.

Bên cạnh đó, hiện chưa có tiêu chí thống nhất để xác định thế nào là tin nhắn rác cũng tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp trong việc ngăn chặn, xử lý.

“Việc triển khai của các doanh nghiệp phải đồng nhất với nhau thì việc ngăn chặn tin rác, tin nhắn lừa đảo mới đạt hiệu quả cao, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường. Tránh trường hợp, có doanh nghiệp thời gian đầu làm quyết liệt sau đó thấy các doanh nghiệp khác làm 'cầm chừng' nên cũng điều chỉnh theo,” ông Sỹ nói.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra đề xuất tới Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành một tiêu chí chung về hạn mức tin nhắn thuê bao được gửi tối đa trong một ngày. Khi thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức cho phép thì phải thực hiện đăng ký với nhà mạng.

Ngoài ra, nếu không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà mạng thì sẽ không thể chặn triệt để tin nhắn rác, bởi doanh nghiệp viễn thông di động mới là đơn vị chặn trực tiếp, là gốc rễ của vấn đề. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề xuất “việc chặn tin nhắn rác là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của nhà mạng, công bố rộng rãi trước dư luận để tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp.”

Ngoài việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ sim rác, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng bản thân nhà mạng cũng nhắn rất nhiều tin rác. Một nữ nhà báo cho biết, chị đã nhận tới 6 tin nhắn rác từ tổng đài của nhà mạng trong một ngày.

Đây rõ ràng là một vấn nạn, và có lẽ, nhà mạng cần phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện chặn tin nhắn rác cũng như phát tán tin nhắn quảng cáo của mình. Chỉ có thế, những “Thượng đế” của họ mới có thể vui lòng khi sử dụng dịch vụ…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục