Vượt con đường lầy lội, trơn trượt với những đoạn dốc cao và đá hộc từ cầu Lao Chải, thuộc xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hướng lên đỉnh núi Xéo Dì Hồ, rồi tiến sâu vào thung lũng, tới thôn Hồ Nhì Pá, chúng tôi đã đến được nhà của Sùng A Dì (dân tộc H'Mông) học sinh khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Năm học 2013-2014 vừa qua, là học sinh lớp 12 nhưng Sùng A Dì chỉ cao 90cm, nặng 16kg - bằng một chú bé 4 tuổi phát triển bình thường. Nhà của Dì nằm gần giữa trung tâm bản Hồ Nhì Pá - bản nằm gọn trong thung lũng được bao quanh bởi các ngọn núi cao chọc trời. Căn nhà gỗ nhỏ không có nhiều tiện nghi, vật dụng đáng giá nhất có lẽ là chiếc giường gỗ kê ở góc trái nhà - nơi ông nội của Dì nghỉ ngơi. Nhưng bù lại, có rất nhiều cây ăn quả được trồng xung quanh nhà. Đang mùa đào chín, mận già tím lịm, ngồi chưa ấm chỗ, Dì đã nhanh chóng đưa lên một khay quả mời chúng tôi.
Câu chuyện của chúng tôi và Sùng A Dì như được tiếp thêm vị ngọt của hoa trái vườn nhà, hào hứng, chân thành cởi mở và đặc biệt là chứa đựng rất nhiều tình cảm. Dì sinh năm 1995, là con trai thứ hai trong một gia đình người H'Mông thuần nông có 4 người con. Ngay từ nhỏ, Dì đã được phát hiện mắc bệnh liệt tuyến yên bẩm sinh. Vì thế, cơ thể của em không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, tuyến xương không phát triển nên lúc nào cũng chỉ “lớn lên trong hình hài một đứa bé 3-4 tuổi.”
Thầy giáo Vũ Văn Trung, giáo viên toán Trường ở trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải vẫn còn nhớ như in: trước kia, khi thầy còn công tác ở trường Tiểu học-Trung học cơ sở Lao Chải, thầy đã đi tuyển sinh.
Theo danh sách về độ tuổi của học sinh trong xã, thầy tìm đến nhà Sùng A Dì. Hẹn đến để tuyển học sinh vào lớp 6 trung học cơ sở, vậy mà đến nhà Dì, thầy Trung chỉ thấy bố của Dì đang bế một "cậu nhóc bé tẹo" trên tay, nhà chẳng còn ai khác, thầy cứ nghĩ gia đình sai hẹn. Đến khi bố của Dì giới thiệu “nhóc tì” ấy chính là Dì thì thầy giáo thực sự bất ngờ. Thầy không thể tin đó là cậu học sinh đã từng tham dự cuộc thi vở sạch chữ đẹp lớp 5 của huyện.
Vượt qua mặc cảm đến với trường lớp, Dì luôn “biết cách” hòa đồng với bạn bè. Vì thế, chưa bao giờ Dì bị trở thành “trò cười” của chúng bạn trong trường. Hàng ngày, ngoài việc đảm bảo theo kịp các tiết học, môn học trên lớp, Dì vẫn thường xuyên tham gia vào các môn thể thao, các trò chơi ngoài giờ với các bạn như đá cầu, bắn bi… Suốt ba năm học trung học phổ thông, Dì luôn đạt hạnh kiểm tốt, lực học trung bình khá nhưng rất đều ở các môn học. Đặc biệt, Dì được đánh giá là một học sinh ngoan, lễ phép, có thái độ nghiêm túc trong học tập.
Em Vàng A Thanh, người bạn thân thiết nhất của Dì nhận xét: Bạn Dì rất ngoan. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như việc học tập, Dì chưa bao giờ tỏ ra mặc cảm về hình thể của mình. Bạn còn thường xuyên giúp đỡ các bạn học yếu và rất hòa đồng với các bạn. Em chơi thân với Dì vì bạn ấy có nghị lực rất lớn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Bạn là tấm gương cho chúng em noi theo.
Trong đợt thi đại học năm nay, Dì đã chọn trường Đại học Tây Bắc tại Sơn La để thực hiện ước mơ lớn nhất của mình là được học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, may mắn chưa đến với em, Dì tâm sự: “Việc đi thi đại học là một mơ ước của em, mặc dù năm nay em không đỗ vào trường Đại học Tây Bắc, nhưng năm tới em sẽ cố gắng hơn nữa để tiếp tục dự thi....”
Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi rất cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận, vượt lên sự nghiệt ngã của tạo hóa để thực hiện niềm đam mê của mình.
Thầy giáo Lý A Chơ, giáo viên chủ nhiệm của Dì năm lớp 12 chia sẻ: Với tôi, Dì là một học sinh rất đặc biệt, đặc biệt không phải vì hình thể của em, mà vì cách em học tập, cách em suy nghĩ về cuộc sống, suy nghĩ về tương lai. Trên lớp, Dì luôn tập trung lắng nghe bài giảng, ghi chép rất đầy đủ và khoa học với thái độ học tập nghiêm túc. Em cũng được các bạn quý mến.
Cả bản Hồ Nhì Pá của Dì, từ trước đến nay mới chỉ có Dì là người thứ ba học hết bậc Trung học phổ thông. Gặp và trò chuyện với Dì, chúng tôi thấy em thực sự là một “người khổng lồ.” Bởi lẽ, bằng sự nỗ lực của bản thân, trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, thầy cô, bè bạn, em đã dám thực hiện ước mơ của mình. Dù vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực, nhưng chúng tôi tin rằng, ước mơ của em rồi sẽ có cơ hội bùng sáng, rạng ngời.
Khi biết mong muốn trở thành người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của em, Đại học FPT Hà Nội đã gửi tặng Dì một chiếc máy tính xách tay và một khóa học bổng đào tạo chuyên gia lập trình trị giá 60 triệu đồng. Hy vọng Dì sẽ theo học khóa đào tạo này trong thời gian tới và điều này cũng sẽ là tiền đề, động lực để em tiếp tục học tập, vươn lên./.