Charles Michel - Niềm hy vọng về 'người bắc cầu' mới của châu Âu

Ông Michel nhậm chức sau một buổi lễ bàn giao chính thức vào ngày 29/11 ở Brussels, thời điểm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ từ chức sau 5 năm tại vị.
Charles Michel - Niềm hy vọng về 'người bắc cầu' mới của châu Âu ảnh 1Thủ tướng Bỉ Charles Michel. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của Brexit, nhưng nguy cơ chia rẽ nội bộ đang ngày một lớn liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại với Anh - đó là nhận định trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của Charles Michel kể từ khi ông được đề cử cho vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Ông nói việc Anh rời khỏi EU (Brexit) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa các nước EU xích lại gần nhau. 

Ông Michel nhậm chức sau một buổi lễ bàn giao chính thức vào ngày 29/11 ở Brussels, thời điểm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ từ chức sau 5 năm tại vị. Khoảnh khắc trọng đại đầu tiên của ông Michel chính là ông sẽ được chủ trì hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 12-13/12 tới - thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ở Anh.

Ông Michel cho biết ông hy vọng cuộc bầu cử sẽ mang đến một sự rõ ràng về việc Vương quốc Anh có phê chuẩn thỏa thuận “ly hôn” hay không. Nếu Brexit diễn ra vào ngày 31/1/2020, hai bên sẽ ngay lập tức bắt tay vào một quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do kéo dài 11 tháng.

Ông nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi biết những nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng tôi muốn bảo vệ và thúc đẩy trong giai đoạn tiếp theo là gì. Chúng tôi cũng biết những ưu tiên hàng đầu là gì: tính toàn vẹn của thị trường chung, sân chơi bình đẳng (cạnh tranh công bằng), thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành.”

EU sẽ phải “làm việc rất chăm chỉ một lần nữa” để duy trì sự thống nhất, đặc biệt là khi các quốc gia có những lợi ích kinh tế khác nhau trong mối quan hệ với Anh. Ông nhấn mạnh: “(Khối) có nguy cơ bị chia rẽ dựa trên tình hình kinh tế khác biệt ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng cùng một cách làm việc minh bạch sẽ là đảm bảo tốt nhất để duy trì sự thống nhất.”

Ông Michel không đưa ra dự đoán liệu hai bên có thể đồng ý một thỏa thuận thương mại chỉ trong 11 tháng đàm phán hay không. Trong ghi chép của các cuộc đàm phán thương mại, đây sẽ là một kỳ tích chưa từng có và một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói rằng ông thậm chí không dám tin điều đó xảy ra kể cả “trong những giấc mơ điên rồ nhất”.

Ông Michel cho biết ông muốn tránh biến Brexit trở thành một vấn đề lớn tại hội nghị thượng đỉnh EU bởi ông dự định tập trung vào các vấn đề như khu vực đồng tiền chung euro, biến đổi khí hậu và ngân sách EU trong 7 năm tới.

Không giống như ông Tusk - một người không ngại thể hiện tình cảm với Anh và gần đây từng tuyên bố “trong trái tim tôi, tôi sẽ luôn là một người chọn ở lại (để Anh ở lại EU)” - ông Michel thường tránh đưa ra những tuyên bố khoa trương.

[Tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề cao sự quyết đoán của "lục địa Già'']

Ông nói: “Có rất nhiều điều trong trái tim tôi và chắc chắn tôi cũng hối hận vì sự lựa chọn này, nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của công dân Anh.” Ông nói thêm rằng việc “thể hiện sự thâm trầm” trong các cuộc đàm phán sắp tới là điều vô cùng quan trọng.

Ưu tiên của ông là khiến châu Âu trở thành một cộng đồng đoàn kết hơn trên trường thế giới, trong bối cảnh ông từng cảnh báo để ngăn chặn khả năng liên minh trở thành một nhân tố bị tổn hại trong một cuộc chiến tranh lạnh tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông, “rủi ro là về lâu dài, xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc… tôi không cho rằng vận mệnh của châu Âu là để trở thành một đối tác cấp dưới.”

Ông Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU cần “nhiều cuộc thảo luận chiến lược hơn nữa” kể cả trong quan hệ với Trung Quốc, trước khi 2 hội nghị thượng đỉnh với nước này diễn ra vào năm tới.

Và không giống như người tiền nhiệm, người từng liệt “những tuyên bố đáng lo ngại” của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mối đe dọa lớn với châu Âu, ông Michel lại đưa ra một quan điểm lắng dịu với Mỹ.

Ông nói EU và Mỹ chia sẻ “những mục tiêu giống nhau” và nhiều giá trị chung, mặc dù ông lưu ý rằng hai bên vẫn đang mâu thuẫn trong vấn đề biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Là một cựu Phó Thủ tướng Bỉ, người đã tham gia chính trị từ khi còn niên thiếu, ông Michel đã phá vỡ nhiều kỷ lục chính trị. Ông là Bộ trưởng trẻ nhất (24 tuổi) và là Phó Thủ tướng trẻ nhất (38 tuổi) của Bỉ khi ông thành lập một liên minh 4 đảng khó điều khiển do những người theo chủ nghĩa dân tộc nói tiếng Flemish (Hà Lan-Bỉ) thống trị vào năm 2014.

Liên minh sụp đổ vào năm 2018 khi ông Michel cương quyết ký một hiệp ước di cư của Liên hợp quốc, đi ngược lại với mong muốn của đảng theo chủ nghĩa dân tộc Flemish lớn hơn.

Tự mô tả mình là “người bắc cầu,” ông Michel cho rằng kinh nghiệm của ông trên chính trường Bỉ sẽ giúp ông thiết lập những thỏa hiệp giữa 27 quốc gia. Ông nói: “Nhiều người coi Bỉ là một châu Âu thu nhỏ.”

Ông cũng là một đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và được cho là có mối quan hệ gần gũi với Pháp. Ông nói Thủ tướng Đức Angela Merkel chính là nhà lãnh đạo EU đầu tiên gợi ý ông cân nhắc vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu này.

Ông hăng say bàn về các ý tưởng để cải cách tiến trình mở rộng EU, vốn có liên quan chặt chẽ với Tổng thống Pháp, người đã gây náo động bằng việc ngăn không cho Bắc Macedonia tổ chức các cuộc đàm phán để gia nhập EU.

Ông nói: “Chúng tôi cần thảo luận về việc có thể cải thiện quá trình này hay không, chẳng hạn với khả năng quyết định nguyên tắc đảo ngược,” đề cập đến một ý tưởng quan trọng của Pháp rằng các quốc gia có thể bị đẩy trở về vạch xuất phát nếu không đáp ứng được những cải cách về dân chủ.

Trong khi một số quốc gia như Đan Mạch và Hà Lan đồng cảm với các kế hoạch của Pháp, các quốc gia khác ở Trung và Đông Âu lại cảnh giác.

Ông Michel sẽ là người thứ ba đảm nhận nhiệm vụ này, kể từ khi vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu chính thức được tạo lập vào năm 2009.

Một số quốc gia thành viên EU phàn nàn rằng Chủ tịch Hội đồng châu Âu chỉ là một công việc bán thời gian, song ông Michel nói rằng Hội đồng châu Âu ngày càng trở nên quan trọng.

Ông nói: “Tôi không ngây thơ, tôi biết những trở ngại là gì, nhưng tôi hy vọng. Tôi cảm thấy [có] ý chí chính trị mạnh mẽ hơn ở các nhà lãnh đạo - mạnh mẽ hơn những gì được phản ánh trên các phương tiện truyền thông - trong việc đưa ra các quyết định”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục