Chất lượng không khí tới ngưỡng ‘nâu’: Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe

Từ sáng 20/2 đến nay, các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí đều đưa ra “cảnh báo tím” - ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” bao trùm thành phố Hà Nội, với chỉ số AQI cao nhất lên đến 364.
Chất lượng không khí tới ngưỡng ‘nâu’: Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe ảnh 1Diễn biến chất lượng không khí sáng nay, 21/2. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng với sương mù, sự gia tăng của các phương tiện gia thông và hoạt động thi công xây dựng, từ sáng 20/2 đến nay, hầu hết các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí đều đưa ra “cảnh báo tím” - ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” bao trùm thành phố Hà Nội và nhận định “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.”

Thậm chí, một số khu vực quan trắc, chất lượng không khí còn tới ngưỡng “nguy hại,” cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe. Tên Hà Nội cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ Nhất trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir) quan trắc theo thời gian thực.

Ô nhiễm tới ngưỡng “nguy hại”

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI tại Hà Nội sáng nay đã lên tới đỉnh ngưỡng “màu tím” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “rất xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Mức AQI phổ biến từ 201-300.

Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 5 giờ sáng nay, 21/2 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng “rất xấu.” Điển hình như khu vực Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) với chỉ số AQI 247; Bà Triệu 236; Hồ Kim Liên (Đống Đa) 225; Đê La Thành 242; Định Công (Hoàng Mai) 254; Cầu Giấy 269; Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) 240…

Tới thời điểm 7 giờ, hầu hết các điểm đo vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng “rất xấu” với chỉ số AQI cao nhất lên tới 268 ở khu vực Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Trong khi 3 ngày trước, chỉ số AQI ở hầu hất các điểm đo ở Hà Nội luôn phổ biến ở ngưỡng “xanh” - chất lượng không khí ở mức “tốt,” không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 5 giờ sáng hôm nay cũng cho thấy kết quả chỉ số AQI đã tăng lên 196, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Tới thời điểm 7 giờ, chỉ số AQI vẫn duy trì ở ngưỡng “xấu” với chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên đến 192 1µg/m³. Trong khi cùng thời điểm này vào những ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI được trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường ghi nhận được vẫn duy trì ở ngưỡng “màu xanh” - chất lượng không khí ở mức tốt.

[Chất lượng không khí 3 miền ngày đầu tuần đều ở ngưỡng “vàng, xanh”]

Với diễn biến chỉ số AQI trên, Tổng cục Môi trường và Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đều đưa ra cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng; nhóm người nhạy cảm có thể gặp vấn đề về sức nặng hơn.

Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong sáng nay cũng hiển thị hai ngưỡng màu phổ biến là “đỏ” và “tím” bao trùm khắp trên bản đồ quan trắc chất lượng không khí ở Thủ đô, với chỉ số AQI phổ biến từ 201-291.

Thậm chí, một số khu vực còn hiển thị “màu nâu” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “nguy hại” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam. Điển hình như khu vực Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) với chỉ số AQI 363; Thượng Đình 326; Nhân Chính (Thanh Xuân) 314; Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) 364…

Chất lượng không khí tới ngưỡng ‘nâu’: Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe ảnh 2Chỉ số AQI hiển thị trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ ở nội thành Hà Nội, chất lượng không khí ở ngưỡng cảnh báo “nguy hại” cũng hiển thị ở nhiều khu vực trên toàn miền Bắc, điển hình như: Phú Điền, Nam Sách (Hải Dương) với chỉ số AQI 380; thành phố Thái Nguyên 320; Nam Trực (Nam Định) 302; thành phố Nam Định 343; Thuận Thành (Bắc Ninh) 385… 

Trong khi cùng thời điểm này, trong hai ngày đầu tuần, chỉ số AQI mà PAM Air ghi nhận ở hầu hết các điểm quan trắc duy trì ở ngưỡng “màu xanh.”

Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào lúc 5 giờ sáng nay đã hiển thị ngưỡng “màu tím” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số AQI phổ biến từ 201-300.

Đến thời điểm 7 giờ sáng, mặc dù tên Hà Nội giảm xuống ở vị trí thứ 2 trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới,” nhưng chỉ số AQI ở hầu hết các điểm quan trắc vẫn tiếp tục hiện thị ngưỡng “màu tím” với chỉ số AQI cao nhất lên đến 278 tại khu vực Tây Hồ; Hàng Đậu 257; Chi cục Bảo vệ Môi trường 248; Thành Công 232; Hoàn Kiếm 216…

Ô nhiễm không khí còn tiếp diễn

Theo nhận định của giới chuyên gia môi trường, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội và các tỉnh vùng ven trong hai ngày nay lên ngưỡng “rất xấu” thậm chí “nguy hại” là do sự gia tăng của các phương tiện giao thông ngoài đường và hoạt động thi công công trình xây dựng trong bối cảnh sương mù và độ ẩm tăng đã khiến bụi mịn lơ lửng trong không khí.

Với diễn biến thời tiết và sự gia tăng về phương tiên giao thông, hoạt động xây dựng trên, giới chuyên gia môi trường dự báo ô nhiễm không khí có thể sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Đây cũng được xem là lý do mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây đã đưa ra nhận định, thời điểm đầu năm tháng 2, tháng 3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm.

Chất lượng không khí tới ngưỡng ‘nâu’: Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe ảnh 3Chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội sáng nay tới ngưỡng "nguy hại." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Do vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng 2, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Đã xác định được hướng đi bảo vệ môi trường”]

Với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2020.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường không khí thông qua việc phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và đơn vị tư vấn của Pháp nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu bài học kinh nghiệm đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc Kinh.

Dự kiến trong tháng 4/2020, một hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức nhằm đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục