Châu Á cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các đòi hỏi về việc làm

Trong tương lai, tự động hóa các dịch vụ BPO cơ bản, đáng chú ý là tự động hóa quá trình robot, sẽ tiếp tục chuyển đổi lĩnh vực theo những cách mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra ngày nay.
Châu Á cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các đòi hỏi về việc làm ảnh 1Công nhân làm việc tại một phân xưởng nhà máy sản xuất ôtô Ssangyong ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Yasuyuki Sawada thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đó đưa ra nhận định rằng hai thập kỷ qua thế giới đã được chứng kiến một làn sóng việc làm chuyên nghiệp mới được tạo ra ở các nước đang phát triển của châu Á, từ các nhà phân tích nghiên cứu đến lập trình viên, nhà khoa học môi trường và kỹ sư dữ liệu.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ngay cả những công việc mới (được trả lương cao) cũng đang bị đe dọa nhưng không phải từ công nghệ mặc dù trí tuệ nhân tạo và robot (người máy) hiệu suất cao là một thách thức hiện hữu mà là những chính sách đang tụt lại phía sau những thay đổi xảy ra trong ngành công nghiệp nói chung.

Để các nước châu Á vượt qua mối đe dọa đối với tiến bộ của mình, các nhà hoạch định chính sách cần phải làm việc với đầy đủ các bên liên quan - từ người sử dụng lao động đến nhà giáo dục cũng như các công nhân và đoàn thể; tập trung vào việc đảm bảo giáo dục và quy định lao động có liên quan.

Ví dụ như tại Philippines, trong vòng chưa đầy 15 năm đất nước này đã xây dựng một ngành gia công quy trình kinh doanh (BPO) thịnh vượng, tạo ra hơn 1 triệu việc làm lương cao. Khu vực này hiện chiếm hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội của Philippines.

Nhưng gần đây, tăng trưởng việc làm đã chậm lại vì lĩnh vực này đòi hỏi ít hơn các đại lý dịch vụ khách hàng mà Philippines thường cung cấp trong khi lại cần các nhà phân tích, thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Theo ước tính của Hiệp hội Công nghệ thông tin và Quy trình kinh doanh của Philippines, tỷ lệ lao động có tay nghề thấp trong BPO sẽ giảm từ 47% trong năm 2016 còn 27% vào năm 2022, trong khi công việc BPO kỹ năng cao sẽ tăng từ 15 đến 46%.

[Suy nghĩ 'tương lai là châu Âu' đang ngày càng trở nên lung lay]

Trong tương lai, tự động hóa các dịch vụ BPO cơ bản, đáng chú ý là tự động hóa quá trình robot, sẽ tiếp tục chuyển đổi lĩnh vực theo những cách mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra ngày nay.

Điều này có nghĩa là chính phủ, các tổ chức giáo dục và BPO cần phải hợp tác để đào tạo công nhân đáp ứng được các yêu cầu của công việc trong tương lai.

Một trong những giải pháp được đưa ra là liên kết chặt chẽ giữa giáo dục với nhu cầu sử dụng. Các trường đại học cần trao đổi với nhà tuyển dụng để tìm hiểu chính xác những kỹ năng công nghệ thông tin nào cần thiết và tạo ra các khóa học đáp ứng nhu cầu của họ.

Nhưng mặc dù bắt buộc phải tăng chất lượng và tiếp cận giáo dục đại học trong các lĩnh vực liên quan đến máy tính và công nghệ thông tin, nhưng điều quan trọng là phải tạo liên kết giữa dạy nghề và giáo dục đại học để người lao động có thể học các kỹ năng mới hoặc nâng cấp các kỹ năng hiện có khi nhu cầu của nhà tuyển dụng thay đổi. Điều đó sẽ tạo ra một lực lượng lao động lớn hơn và được giáo dục tốt hơn với bộ kỹ năng phù hợp và đa dạng hơn.

Các kỹ năng khác cho tương lai là những kỹ năng phát triển khả năng nhận thức và xã hội cao, hữu ích cho vai trò trong nghiên cứu, phân tích hoặc quản lý. Theo ước tính, việc làm trong các công việc sử dụng công nghệ thông tin, tập trung vào nhận thức hoặc xã hội tăng trung bình nhanh hơn 2,6 %/năm so với việc làm chung.

Kết hợp kiến thức kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy tiêu chuẩn từ khi còn nhỏ và đảm bảo rằng các trường phát triển không chỉ các kỹ năng đọc, viết và số mà cả các kỹ năng xã hội và cảm xúc có thể là cách dạy hiệu quả nhất và tạo nền tảng cho việc học và học lại trong tương lai.

Luật lao động và bảo vệ cũng cần được sửa đổi. Hơn bao giờ hết, các quy định thị trường lao động cần bảo vệ người lao động hơn là việc làm. Trên thực tế, điều này có nghĩa là những rào cản pháp lý cứng nhắc đối với việc sa thải nhân viên hoặc đối với một số loại hợp đồng như: hợp đồng có thời hạn cố định - phổ biến ở các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia - cần được xem xét lại và áp dụng các hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại.

Các hệ thống như vậy sẽ bao gồm tiền lương tối thiểu bao gồm một nhóm lớn công nhân, các chương trình công việc, quy định về giờ giấc và điều kiện làm việc, và những cách thức mới để thúc đẩy cơ hội bình đẳng.

Công nhân của tương lai có thể làm việc bán thời gian, với nhiều chủ lao động cùng một lúc. Ngay cả nhân viên toàn thời gian cũng có khả năng chuyển đổi công việc thường xuyên.

Một số hình thức bảo hiểm thất nghiệp - được thiết kế để phản ánh sức khỏe tài chính của chính phủ đang được đề cập - cũng sẽ giúp bảo vệ người lao động trong các ngành nghề khác nhau.

Điều này kêu gọi chăm sóc sức khỏe, lương hưu và các lợi ích khác gắn liền với người lao động, chứ không phải là công ty và có thể được thực hiện từ công việc này sang công việc khác. Công nghệ kỹ thuật số sử dụng thông tin sinh trắc học sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn và có những mô hình tốt như hệ thống Aadhaar của Ấn Độ, E-KTP của Indonesia, NADRA của Pakistan và MyKad của Malaysia.

Có nhiều lý do để lạc quan về sức mạnh của công nghệ trong việc tạo ra việc làm mới, tốt hơn và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có vị trí rất thuận lợi.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần phải đối mặt với những vướng mắc trong hệ thống giáo dục và những quy định có thể cản trở sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Tương lai của việc làm và sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc chủ yếu vào điều đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục