Châu Á cần tạo môi trường đầu tư năng lượng mới

Các đại biểu cho rằng các chính phủ ở châu Á cần tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư phát triển nguồn cung năng lượng mới.
Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2012 với chủ đề “Tạo ra các nguồn năng lượng sáng tạo: Tiếp sức cho một châu Á thịnh vượng," tổ chức từ ngày 20-22/3, tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 150 nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu về năng lượng từ hơn 20 nước trên thế giới.

Hiện nay châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức lớn xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các nước khu vực là phải nhanh chóng cải cách hệ thống năng lượng, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ điện sang các vùng nông thôn, các vùng kém phát triển hơn nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cho rằng, các chính phủ ở châu Á cần tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư phát triển nguồn cung năng lượng mới, phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.

Về xây dựng thị trường điện hiệu quả và linh hoạt, các đại biểu đều nhận thấy tầm quan trọng phải có một thị trường điện tự do, cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp tăng doanh thu để các công ty có thêm nguồn tài chính đầu tư nghiên cứu và phát triển các nguồn cung cấp điện mới, nhưng cũng phải tăng khả năng tiếp cận điện của người dân.

Các đại biểu xác định trở ngại lớn nhất để xây dựng thị trường năng lượng hiệu quả là việc định giá năng lượng như điện, than, khí hóa lỏng. Hiện nay, các chính phủ thường định giá điện thấp hơn giá thành sản xuất. Việc định giá điện không theo cung cầu thị trường đã làm cho nhiều công ty điện lực rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính, không thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu mới về điện ngày càng tăng cao. Ngoài ra, việc định giá điện thấp hơn giá thị trường còn tạo ra môi trường kinh doanh kém thuận lợi, giảm niềm tin của nhà đầu tư, không khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện.

Các đại biểu cho rằng, việc định giá điện, cũng như các nguồn cung cấp năng lượng khác theo giá thị trường, sẽ giúp xây dựng được môi trường công bằng, cạnh tranh bình đẳng và do đó buộc các doanh nghiệp phải tìm các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Các đại biểu cũng cho rằng cần phải thực hiện nhiều bước để thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, bao gồm: Chính phủ phải có chính sách rõ ràng về mục tiêu phát triển thị trường điện; xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp, minh bạch, dễ tiên lượng, có biện pháp quản lý rủi ro và tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan; thiết lập một cơ quan giám sát năng lượng độc lập nhằm tránh tình trạng độc quyền điện; có các văn bản đầy đủ và chi tiết hướng dẫn hoạt động cho các thành viên tham gia thị trường.

Về hợp tác khu vực về năng lượng, các đại biểu cho biết một số trường hợp đã hợp tác rất tốt như ở khu vực Nam Á giữa Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, hay tại Đông Nam Á giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước láng giềng trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mekong GMS.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, APEC cũng đưa ra định hướng tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cung cấp năng lượng sạch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra các sáng kiến như “Sáng kiến Mạng lưới Điện thông minh.”

Trên phạm vi toàn cầu, Liên hợp quốc xác định năm nay là năm “Năng lượng bền vững cho tất cả các nước,” “tạo điều kiện tiếp cận năng lượng cho người dân với chi phí giảm.” Các đại biểu cũng quan tâm đến việc phát triển điện hạt nhân tại châu Á.

Tại Hội nghị đã có nhiều phát biểu, khuyến nghị chính sách cụ thể đối với việc xây dựng chính sách năng lượng của các nước trong khu vực nói chung, của Việt Nam nói riêng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục