Châu Á có quốc gia đầu tiên loại nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á loại trừ nguy cơ virus HIV lây từ mẹ sang con.
Châu Á có quốc gia đầu tiên loại nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 7/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á loại trừ nguy cơ virus HIV lây từ mẹ sang con.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này.

Đánh giá sự kiện trên là "một thành tựu xuất sắc" đối với Thái Lan - quốc gia từng ghi nhận 100.000 trường hợp nhiễm HIV vào năm 1990 và tăng lên hơn một triệu vào 3 năm sau đó, chủ yếu lây qua hoạt động mua bán dâm - WHO khẳng định Thái Lan "đã chứng minh cho thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại."

Trước đó, Cuba là quốc gia duy nhất loại trừ được nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con theo tiêu chuẩn của WHO.

Theo cơ quan y tế toàn cầu này, việc Thái Lan tiến hành sàng lọc và điều trị miễn phí cho những thai phụ nhiễm HIV đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn nguy cơ virus này truyền sang những thế hệ mới.

Nếu không được điều trị, khả năng HIV từ người mẹ nhiễm virus này truyền sang con là khoảng 15-45% trong thời gian mang thai, sinh con và cho con bú. Nhưng nếu được điều trị bằng thuốc kháng HIV trong thai kỳ, khả năng này giảm xuống chỉ còn hơn 1%.

Năm 2000, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát thuốc kháng HIV miễn phí cho tất cả phụ nữ mang thai bị chuẩn đoán nhiễm HIV.

Việc kiểm tra, sàng lọc virus HIV trong thai kỳ cũng được tiến hành thường xuyên, thậm chí cả ở những khu vực hẻo lánh nhất của quốc gia Đông Nam Á này.

Hầu hết phụ nữ mang thai đều được sàng lọc HIV, 95% trong số có kết quả dương tính với HIV được điều trị để ngăn chặn việc truyền virus nguy hiểm này sang con và gần như 100% trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng HIV.

Ban đầu, nhiều người dân vẫn nghi ngại về các biện pháp phòng chống HIV mà chính phủ đưa ra, song với việc tăng cường phát bao cao su miễn phí cho người dân cuối những năm 1990 và tích cực tuyên truyền về thuốc kháng HIV vào những năm 2000, công tác phòng chống HIV của Thái Lan đạt được thành công to lớn và các biện pháp của chính phủ được người dân cả nước hoan nghênh.

Theo những số liệu do chính phủ Thái Lan công bố, số trẻ sơ sinh nhiễm HIV ở nước này đã giảm từ 1.000 trẻ vào năm 2000 xuống chỉ còn 85 trẻ vào năm 2015, tỷ lệ truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%. Với sự sụt giảm đáng kể này, WHO đã công nhận quốc gia này loại bỏ được nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con.

Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á Poonam Khetrapal Singh nhận định đây là "động lực cho các quốc gia khác trên thế giới cũng như giới y khoa thế giới", đồng thời hy vọng "thế giới không còn HIV."

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều vấn đề khác vẫn tồn tại ở quốc gia hiện có khoảng 500.000 ca nhiễm HIV này, bao gồm tỷ lệ các ca nhiễm mới đang gia tăng trong nhóm người chuyển giới và đồng tính nam.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo giới chức Thái Lan cần chú ý đến những phụ nữ nhập cư nghèo không được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ hay sàng lọc HIV tại nước này, cũng như nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao như người tiêm chích ma túy hay mua bán dâm.

Cùng với Thái Lan, Belarus cũng được WHO ghi nhận loại trừ nguy cơ lây HIV và giang mai từ mẹ sang con. Trong khi đó, Amerinia và Moldova đã thành công trong việc ngăn chặn lây giang mai từ mẹ sang con.

Mỗi năm trên thế giới có 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV có thai. Số trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ là 400.000 vào năm 2009, và đến năm 2013 giảm xuống còn 240.000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục