Châu Á có thể lại khủng hoảng thiếu gạo

Theo các chuyên gia quốc tế đưa ra trên mạng tin Itellasia ngày 14/1, thì cuộc khủng hoảng tín dụng đang diễn ra khiến nông dân khó vay tiền để mua hạt giống và phân bón, do đó, họ có thể giảm diện tích trồng lúa, canh tác ít hơn hoặc chuyển sang trồng các loại cây lương thực có chi phí thấp. Vì vậy, có thể xảy ra tình trạng thiếu gạo.

Theo các chuyên gia quốc tế đưa ra trên mạng tin Itellasia ngày 14/1, thì cuộc khủng hoảng tín dụng đang diễn ra khiến nông dân khó vay tiền để mua hạt giống và phân bón, do đó, họ có thể giảm diện tích trồng lúa, canh tác ít hơn hoặc chuyển sang trồng các loại cây lương thực có chi phí thấp. Vì vậy, có thể xảy ra tình trạng thiếu gạo.

Viện nghiên cứu gạo quốc tế có trụ sở ở Philippines cho biết, nông dân đang chịu nhiều tổn thất do lúa gạo được mùa mà giá bán lại thấp, trong khi họ lại phải trả chi phí cao cho các nguyên vật liệu đầu vào. Philippines, nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2008, đã phải hạ dự đoán về sản lượng gạo năm 2009 của nước này xuống khoảng 4% do nông dân đang phải "vật lộn" để vay tiền.

Giá gạo hiện giảm một nửa so với đầu năm 2008 vì các chi phí cho xăng dầu và phân bón giảm, song có thể lại tăng lên trong năm nay do nông dân đang phải "vật lộn" để vay vốn trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Giá gạo Thái Lan 100% loại B đã giảm từ mức 1.080 USD/tấn trong tháng 4/2008 xuống còn 575 USD/tấn vào tháng 10/2008. 

Các chuyên gia cho rằng sản xuất gặp khó khăn do tình trạng thắt chặt tín dụng trong bối cảnh gạo bán không được giá như hiện nay có thể khiến sản lượng gạo ở khu vực này giảm mạnh. Điều này diễn ra trong khi nhu cầu tiếp tục tăng có thể sẽ làm cho giá gạo tăng mạnh trong những tháng tới và cuộc khủng hoảng về gạo có thể tái diễn ở châu Á như trong năm 2008.

Viện nghiên cứu gạo quốc tế cho rằng việc giữ giá gạo ở mức có thể chấp nhận được cho khoảng 700 triệu người nghèo châu Á có mức sống dưới 1 USD/ngày là "rất quan trọng để giảm nghèo đói".

Tờ Nhật báo "The Nation" ngày 14/1 cũng đưa tin, tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, Thái Lan sẽ đề xuất kế hoạch khối ASEAN thiết lập "Quỹ và Kho dự trữ thóc gạo". Kế hoạch trên được đưa ra để ngăn chặn khả năng thiếu gạo trong các nước ASEAN, nơi có tổng dân số ước đã tăng lên 550 triệu người, nhất là khi giá gạo lại tăng đột biến trên thị trường.

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan sẽ lập các kho dự trữ riêng để phục vụ kế hoạch an ninh lương thực ASEAN, với mỗi nước thành viên cùng cam kết đóng góp vốn hoặc thóc gạo. Chính phủ các nước khu vực sẽ tính toán giá gạo dựa trên giá thị trường (hiện vào khoảng 600-700 USD/tấn).

Thái Lan sẽ đề nghị Hiệp hội ASEAN trữ 3 triệu tấn gạo tổng cộng mỗi năm để dự phòng. Nếu trong năm không xảy ra hiện tượng thiếu thóc gạo, Thái Lan sẽ đưa số gạo dự trữ đó bán ra thị trường và thay thế nó bằng một chương trình cam kết mới về gạo của chính phủ. Chính phủ cũng sẽ xây dựng các silo (kho chứa) hiệu quả để bảo đảm chất lượng gạo cho kế hoạch trên của ASEAN.

Nguồn tin trên cho biết, kế hoạch đó không chỉ giúp tăng cường vai trò quản lý và đảm bảo an ninh lương thực cho ASEAN mà còn nâng cao năng lực điều hành chương trình trữ gạo của chính phủ và góp phần bình ổn giá gạo trên thị trường, giúp Thái Lan có thêm kênh bán gạo cho các nước thành viên ASEAN khác. /.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục