Châu Á đối mặt những thách thức do dân số già hóa

Sự nới lỏng chính sách một con mới đây của Trung Quốc đã cho thấy vấn đề nhân khẩu học giữ một vai trò quan trọng trong kinh tế.
Châu Á đối mặt những thách thức do dân số già hóa ảnh 1Triển lãm Quốc tế hàng công nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sự nới lỏng chính sách một con mới đây của Trung Quốc đã cho thấy vấn đề nhân khẩu học giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng của một nền kinh tế.

Châu Á với nhịp độ tăng trưởng cao dựa trên cơ cấu dân số thuận lợi, có nguồn cung lao động gia tăng với giá nhân công thấp và các nền kinh tế mở.

Tuy vậy, khi dân số bắt đầu già hóa nhanh chóng, nhiều khu vực ở châu Á hiện có một lo ngại thực tế rằng người dân châu lục "đang trở nên già nua hơn trước khi giàu có."

Năm 2012, gần 450 triệu người, tương đương 11% dân số châu Á, ở độ tuổi từ 60 trở lên. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng hơn gấp đôi lên hơn 1,2 tỷ người, tương đương 24% dân số châu lục, không cách bao xa so với con số tương ứng 27% của khu vực Bắc Mỹ và 34% của châu Âu.

Tỷ lệ dân số già sẽ tăng nhanh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc Đại lục, Singapore và Ấn Độ.

Trong khi đó, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Ageing Asia Pte dựa trên số liệu của Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ, đến năm 2017, Ấn Độ dự kiến có khoảng 118 triệu người dân có độ tuổi trên 60, cao hơn gấp đôi con số của Nhật Bản, trong khi số người cao tuổi của Trung Quốc và Indonesia sẽ lên tới 217 triệu người và 24 triệu người.

Theo nhà nghiên cứu cao cấp Rafal Chomik tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số Già hóa (CEPAR) thuộc Trường Kinh doanh Australia, chính phủ các nước châu Á nhận thức được rằng họ phải đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp và phát triển mạng lưới y tế để chuẩn bị cho một giai đoạn quá độ về nhân khẩu học chuyển sang một cơ cấu dân số già hơn đang ở phía trước.

Dự đoán, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các chi phí liên quan đến vấn đề già hóa dân số dự kiến chiếm ít nhất 50% tổng mức tăng trưởng ngân sách y tế của các nước châu Á. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này dự kiến lên tới 100%.

Đáng chú ý, tỷ lệ người già hơn trong dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng gấp 3 lần ở nhiều quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á vào năm 2050.

Tỷ lệ này sẽ là 16 người có độ tuổi trên 60 trên 100 người dân trong độ tuổi lao động ở Philippines, 70/100 ở Nhật Bản. Và Trung Quốc khi đó sẽ có dân số già hơn Australia hay Mỹ.

Theo ông Chomik, Đông Á và Đông Nam Á có khả năng tài chính để duy trì kế hoạch phát triển hệ thống y tế nhưng để tránh được tình trạng tăng trưởng chi phí quá mức từng diễn ra ở phương Tây thi họ cần phải chú ý tới những thành công và thất bại trong các cuộc cải cách ở khu vực và các nơi khác trên thế giới.

Thái Lan thường được coi là một ví dụ thành công về cách thức nâng cao chất lượng mạng lưới y tế và kiểm soát chi phí.

Tuy vậy, hiện có một sự khác biệt lớn giữa tình trạng dân số già hóa ở châu Á và các nước phát triển.

Năm 2011, các quỹ hưu trí tư nhân ở 9 nền kinh tế châu Á có tổng tài sản lên tới 663 tỷ USD, tương đương chỉ 5,3% tổng GDP của các nền kinh tế này, thấp hơn nhiều mức trung bình 70% GDP của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong quá khứ, khi các hộ gia đình có số nhân khẩu lớn, người trẻ đóng vai trò "quỹ lương hưu" của người già, với quan niệm người trẻ sẽ chăm sóc cho các "tiền bối." Hiện nay, khi nhiều hộ gia đình ở khu vực đô thị chỉ có 1-2 con, điều này trở thành một giấc mơ xa tầm tay.

Trên thực tế, một sự đảo chiều đang diễn ra. Tại Nhật Bản, những người "con một" ở độ tuổi 20 vẫn sống cùng với gia đình được gọi là Parasite.

Trong khi đó, những đối tượng vị thành niên "con một" hiện nay nhận được sự quan tâm, chăm sóc của 6 người lớn ở trong gia đình gồm ông bà nội ngoại, bố mẹ. Tuy vậy, khi cậu bé/cô bé này trưởng thành thì họ không đủ khả năng chăm sóc 4 hoặc 6 "tiền bối" của họ.

Tỷ lệ phụ thuộc người già (số người già từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động 15-64) đang trở thành điều bất khả thi ở một số quốc gia. HIện nay tại Nhật Bản, hai người trong độ tuổi lao động hỗ trợ 1 người về hưu.

Đến năm 2050, một người trong độ tuổi lao động sẽ "gánh" 2 người về hưu. Dự kiến, vào năm 2050, tỷ lệ này của Trung Quốc sẽ là 1/1,5.

Sự thiếu hụt của hệ thống lương hưu do nguồn lực tài chính không đảm bảo là một vấn đề nghiêm trọng ở châu Á.

Thậm chí ở các nước giàu như Nhật Bản, có mức thu nhập bình quân đầu người là 216.694 USD, lãi suất thấp có nghĩa là nhiều người về hưu phải đối mặt với tình trạng nguồn thu nhập thấp từ các tài sản tài chính để có thể có được một cuộc sống tiện nghi sau khi nghỉ hưu.

Mức lãi suất 2%/năm của những tài sản như vậy chỉ mang lại mức thu nhập 4.300 USD/năm, không đủ để đảm bảo một cuộc sống thoải mái.

Hiện có một vài nguyên nhân tích cực cho thấy tại sao chính phủ các nước cần coi cải cách các quỹ hưu trí là một vấn đề ưu tiên.

Đầu tiên, hiện có một câu hỏi về thu nhập hưu trí phù hợp. Thứ hai, là sự công bằng khi nhiều người cần được nhận hưu trí. Thứ ba là nguồn tài chính của các quỹ hưu trí cần có tính bền vững.

Các quỹ hưu trí có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển thị trường vốn, sự phân bổ tài nguyên dài hạn hiệu quả hơn và sự ổn định tài chính quốc gia.

Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong giai đoạn tháng 5-6 khi các thị trường biến động mạnh do lo ngại về khả năng thu hồi những biện pháp nới lỏng định lượng, các thị trường chỉ chịu những biến động nhỏ nhất về tỷ giá và lãi suất là những thị trường có các quỹ tiết kiệm và hưu trí.

Các quỹ hưu trí trong nước có thể dễ dàng mua trái phiếu trong nước và các nhà đầu tư bán ngoại tệ khi có tình trạng vốn chảy ra bên ngoài.

Các quốc gia không có những quỹ hưu trí có quy mô lớn như trên, như Indonesia, phải phụ thuộc vào ngân hàng trung ương là cơ quan bảo vệ chủ chốt đối với vấn đề tỷ giá hối đoái và lãi suất.

Các quỹ hưu trí với tầm nhìn dài hạn nên có thể đóng góp vào đầu tư chiến lược dài hạn trong các khu vực tăng trưởng như cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh và tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp xã hội.

Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc quá mức vào nguồn tài chính ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng hoặc nguồn tài chính nước ngoài - thường có nhiều rủi ro về tính thanh khoản và biến động thị trường.

Ngoài ra, sự quản lý hiệu quả các quỹ hưu trí cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng quản lý doanh nghiệp vì các quỹ hưu trí tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc hoạt động trái ngược với những hành vi "ăn xổi ở thì."

Trên thực tế, cấu trúc tài chính toàn cầu hiện nay là một sự kết hợp giữa nợ dài hạn và vốn ngắn hạn, có nghĩa là làm tăng nợ chứ không phải tăng vốn. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, một kết cấu tài chính ồn định và hợp lý hơn cho châu Á cần bao gồm vốn dài hạn và nợ ngắn hạn.

Nhiều khoản lương hưu hơn cho nhiều người hơn sẽ tạo nên một xã hội cân bằng hơn và các quỹ hưu trí dài hạn có đủ khả năng tài chính để đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong tương lai.

Đó cũng là lý do mà nhà viết kịch Tennessee Williams đã nói rằng "bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng không thể già mà không có xu nào trong túi"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục