Châu Á - "Đòn bẩy" của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc

Khi Mỹ tiếp tục lợi dụng mạng lưới các đồng minh và đối tác châu Á để thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc, tình thế khó khăn trước sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy đến với hầu hết quốc gia.
Châu Á - "Đòn bẩy" của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman kết thúc chuyến thăm Trung Quốc thì cũng là lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, đó là Singapore, Philippines.

Chuyến thăm của ông Austin tới châu Á là nhằm tái khẳng định cam kết của tân chính quyền Mỹ rằng Mỹ sẽ là "một đối tác đáng tin cậy."

Phát biểu trước chuyến đi, ông Austin đã gọi các nước này là “điểm đến ưu tiên cho các hoạt động” của Mỹ, đồng thời cho biết mục tiêu chính của chuyến thăm là củng cố “mạng lưới đồng minh và đối tác mạnh mẽ trong khu vực.”

Hơn nữa, ông tuyên bố sẽ tận dụng cơ hội này để làm rõ lập trường của Mỹ trong việc thách thức những tuyên bố mà ông cho là "vô ích và vô căn cứ" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông điệp quan trọng đó đã được Austin nhắc lại trong bài phát biểu của ông tại Singapore.

Để tăng cường niềm tin của các đồng minh vào cam kết quân sự của Mỹ, ông Austin đã thể hiện sức mạnh quân sự của nước này: trước khi tới châu Á, ông đã đến thăm Căn cứ Không quân Eielson tại Alaska, nơi ông có bài phát biểu khi đứng trước 3 máy bay tiêm kích F-35 Lightning II.

Trên thực tế, Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Ít ngày trước, Thuyền trưởng Michael Luckett, một chỉ huy tàu ngầm giàu kinh nghiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã nhận nhiệm vụ chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân Guam.

[Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?]

Trong khi đó, theo Trung tâm An ninh mới của Mỹ - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington - dường như nước này đang hướng tới chiến lược “cạnh tranh toàn diện” để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa các cường quốc.

Tất cả những yếu tố trên đều phù hợp với một thông điệp duy nhất - như tuyên bố của Tổng thống Joe Biden - rằng “nước Mỹ đã trở lại.”

Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể thực sự quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương như giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới II? Câu hỏi này mang đến nhiều thắc mắc hơn là những câu trả lời. Austin nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi là một lực lượng ổn định; cho dù chúng tôi ở đâu, khu vực nào trên thế giới, chúng tôi đều tăng cường sự ổn định của khu vực đó.”

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố chính thức tốt đẹp của Austin, việc các lực lượng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất hiện ở Afghanistan đang gây ra nhiều xáo trộn.

Hàng trăm nghìn người dân và binh lính đã thiệt mạng trong “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan, nhưng triển vọng về hòa bình và ổn định ở nước này vẫn còn mờ mịt.

Sau gần 20 năm chiến tranh, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng Mỹ đã đóng góp như thế nào cho sự ổn định của khu vực này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng khó có thể quên được những gì đã xảy ra tại bán đảo Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên là một thảm họa nhân đạo và hậu quả của nó vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay - đặc biệt là với các gia đình ở hai miền Triều Tiên bị chia cắt do chiến tranh.

Còn tại Singapore, ông Austin cam kết rằng Mỹ sẽ xây dựng quan hệ đối tác, theo đó cho phép các nước tự đưa ra quyết định của mình. Đây là điều đáng nghi ngờ.

Có một sự đồng thuận đã tồn tại từ lâu ở châu Á-Thái Bình Dương rằng khu vực này phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển kinh tế và dựa vào Mỹ để củng cố an ninh.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn của Bắc Kinh chắc chắn sẽ thách thức hệ thống liên minh này, vốn có vai trò tạo ra nền tảng cho cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh ở châu Á.

Thị trường khổng lồ cùng các cơ hội kinh tế dồi dào của Trung Quốc là một yếu tố thu hút các quốc gia châu Á khác. Các nước nhỏ ở châu Á - từng hưởng lợi từ sự thịnh vượng mà Trung Quốc mang lại - hiện nay càng cảm thấy bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa an ninh và phát triển kinh tế này còn trở nên phức tạp hơn do cuộc cạnh tranh nước lớn, khi chính quyền Tổng thông Biden tiếp tục kế thừa chính sách diều hâu mà Mỹ từng áp đặt lên Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Trump.

Khi Austin cam kết củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ, không ai nghi ngờ rằng ông đang yêu cầu các đồng minh và đối tác phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như những gì mà Washington từng làm ở châu Âu. Trước sự lựa chọn bắt buộc này, làm thế nào để các quốc gia châu Á có thể tự đưa ra quyết định nhằm thực thi quyền chủ quyền như Austin đã hứa?

Điều cuối cùng - nhưng không kém phần quan trọng - là không ai biết chính sách này của chính quyền Tổng thống Biden có thể tồn tại trong bao lâu. Năm 2012, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, một học thuyết nhằm xây dựng lại vai trò lãnh đạo của nước này.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Obama đã sớm bị phá hủy bởi người kế nhiệm Donald Trump, vốn ưu tiên đưa ra các quyết định đơn phương và từ bỏ nhiều mối quan hệ đối tác của Mỹ với châu Á.

Sự thay đổi chính quyền do hệ thống dân chủ của Mỹ đang gây ra bất ổn rất lớn, không chỉ cho các nước châu Á mà còn cho cả cộng đồng quốc tế. Vào thời điểm mà việc phòng chống đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế là những ưu tiên hàng đầu của thế giới, hợp tác quốc tế đang trở thành điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Mỹ đã sử dụng mọi đòn bẩy mà họ có để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Khi Washington tiếp tục lợi dụng mạng lưới các đồng minh và đối tác châu Á để thúc đẩy cuộc cạnh tranh này, tình thế khó khăn trước sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy đến với hầu hết mọi quốc gia, dù họ có muốn hay không.

Câu hỏi được đặt ra là các nước sẽ tin tưởng Mỹ đến mức nào, khi Washington tự cho rằng họ đóng vai trò giúp ổn định khu vực?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục