Hãng Shell vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về “Năng lượng tương lai” được tiến hành với gần 10.000 người tại 31 thành phố thuộc chín quốc gia châu Á.
Theo khảo sát, có tới 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng nhu cầu năng lượng tương lai là một vấn đề đáng lo ngại trong chi tiêu cơ bản cho đời sống, do nhu cầu về năng lượng, thực phẩm và nước ngày một tăng cùng với sự bùng nổ và già hóa dân số, trong đó đứng đầu là các nước Ấn Độ, Thái Lan và Philippines.
Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh toàn cầu của Shell, Jeremy Bentham, nói rằng cuộc khảo sát đã cho thấy một điều đáng mừng là người dân châu Á coi nhu cầu năng lượng tương lai là một trong những ưu tiên chính, nhất là trong bối cảnh khu vực này đang trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng nhanh nhất thế giới về kinh tế, dân số và nhu cầu năng lượng.
Liên hợp quốc dự báo vào năm 2030, thế giới sẽ cần thêm 40-50% năng lượng, nước và thực phẩm để đáp ứng với sự gia tăng nhu cầu và tăng trưởng dân số.
Ông Jeremy Bentham cho biết hầu hết số người được hỏi tin rằng tình trạng thiếu năng lượng và giá năng lượng tăng vọt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đời sống cũng như sự phát triển của đất nước của họ.
Tuy nhiên, các vấn đề được coi là đáng lo ngại nhất liên quan đến năng lượng trong tương lai lại khác nhau đối với từng quốc gia. Chẳng hạn như ở Thái Lan (91%), Hàn Quốc (70%) là tình trạng thiếu năng lượng, ở Ấn Độ (91%) và Singapore (79%) là giá năng lượng tiếp tục tăng, ở Việt Nam (89%) là tình trạng thiếu nước và ở Indonesia (86%) là tình trạng thiếu lương thực.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy người dân châu Á nhận thức được sự cần thiết phát triển các nguồn năng lượng khác nhau trong tương lai bao gồm cả năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và khí tự nhiên.
Năng lượng Mặt Trời được coi là một nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai ở hầu hết các nước châu Á như Singapore (86%), Thái Lan (83%), Ấn Độ (77%), trong khi khí tự nhiên được coi là một nguồn năng lượng chủ yếu tại Brunei (87%) và là nguồn năng lượng lựa chọn thứ hai trong tương lai ở Singapore (52%), Indonesia và Ấn Độ (cùng 43%)./.