Châu Á nên làm gì để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ?

Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Châu Á phải làm gì trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ?
Châu Á nên làm gì để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ? ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng container ở Los Angeles, California, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Châu Á phải làm gì trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ? Lee Jong-Wha, giáo sư kinh tế học và là giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế châu Á-Đại học Korea, đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này trong bài viết: “Châu Á nên đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ như thế nào?”

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Trong khoảng 5 thập kỷ vừa qua, các nền kinh tế châu Á chủ yếu dựa vào mô hình phát triển hướng vào xuất khẩu để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời hứa của ông trong việc áp dụng một đường lối mang tính bảo hộ hơn đối với thương mại - một nỗ lực có thể khuấy động các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác - thì mô hình này đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng ngày càng tăng.

Trong năm ngoái, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến hành thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, và dựng lên những mức thuế quan “tự vệ” đánh vào mặt hàng máy giặt và tấm pin Mặt Trời nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, Nhà Trắng đã loan báo những mức thuế tăng vọt đánh vào mặt hàng thép và nhôm, với lý do là nhằm tăng cường an ninh quốc gia. Và Mỹ đang chuẩn bị áp đặt những biểu thuế mang tính trừng phạt đánh vào một loạt sản phẩm của Trung Quốc với lý do đây là những sản phẩm đánh cắp tài sản trí tuệ.

Đây là một sự đảo ngược gây sửng sốt của Mỹ, quốc gia giữ vai trò cổ súy thương mại tự do chủ chốt của thế giới từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Dĩ nhiên, một số tổng thống tiền nhiệm của ông Trump cũng đã thực hiện những chính sách bảo hộ mậu dịch; tuy nhiên những chính sách này bắt nguồn từ những cuộc thương lượng trên thực tế với các đối tác thương mại. Như lời nhà kinh tế học Dani Rodrik thuộc Đại học Harvard, “những hạn chế về thương mại của ông Trump mang bản chất đơn phương và mang tính gây gổ hơn.”

Những hành động của ông Trump không có khả năng mang lại nhiều điều tốt lành cho những ngành công nghiệp được bàn đến ở trên, chưa nói gì đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Ví dụ, thuế đánh vào thép nhập khẩu sẽ giúp cho một số ít công nhân trong ngành công nghiệp thép, trong khi lại gây thiệt hại cho một số lượng lớn hơn rất nhiều những công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp ở khâu hạ nguồn như xây dựng, dầu khí, và sản xuất ôtô. Những biện pháp như vậy không có cơ hội đảo ngược chiều hướng suy giảm của các ngành sản xuất truyền thống ở Mỹ.

Mức thuế cao cũng không giúp gì nhiều cho cán cân thương mại của Mỹ. Ông Trump và các cố vấn của ông tin rằng thương mại quốc tế là một trò chơi zero-sum (trò chơi có tổng bằng không, theo đó nếu một người thu được lợi ích thì người kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại), và do vậy thuế nhập khẩu là con đường trực tiếp để đi tới chỗ giảm mức thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của các mức thâm hụt thương mại của Mỹ là sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế Mỹ, như mức tiêu dùng gia đình quá mức và thâm hụt tài chính - những sự mất cân bằng mà thuế nhập khẩu sẽ không giúp giải quyết gì nhiều.

[Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam]

Việc áp đặt thuế của ông Trump sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một kịch bản như vậy. Nhằm đáp lại những hạn chế thương mại tăng lên này, Trung Quốc có thể hạn chế nhập khẩu máy bay hay nông sản, như đậu tương, từ Mỹ.

Thậm chí các đồng minh của Mỹ cũng đã chuẩn bị ứng phó với một cuộc chiến tranh thương mại. Trước khi Liên minh châu Âu nhận được lệnh tạm hoãn ở phút cuối cùng đối với mức thuế đánh vào sản phẩm thép và nhôm, tổ chức này đã loan báo là họ đang xem xét những mức thuế trả đũa đánh vào hàng hóa của Mỹ, bao gồm rượu whisky và ôtô, và Mỹ đã phản ứng với điều này bằng việc đe dọa áp đặt thuế đối với ôtô của châu Âu. Trong khi đó, EU và các nước nhập khẩu thép ở châu Á, như Ấn Độ và Indonesia, đang chuẩn bị áp dụng những biện pháp tự vệ chống lại khả năng lượng thép khổng lồ sẽ được chuyển khỏi Mỹ sang nước họ.

Khi Trump cho rằng “chiến tranh thương mại là tốt, và dễ giành chiến thắng,” thì ông thậm chí còn mắc phải sai lầm lớn hơn. Sự thật được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ vào tháng 1/2017 là: ”Không ai là người thắng cuộc trong một cuộc chiến tranh thương mại.”

Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm hại sự phục hồi kinh tế, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc gây trở ngại cho các chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Các nền kinh tế châu Á đi theo mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu - như Việt Nam (với xuất khẩu tạo ra 90% GDP), Malaysia (71%), và Hàn Quốc (45%) - đặc biệt sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Nhằm giảm nhẹ những nguy cơ này, các nền kinh tế châu Á cần phải đảm đương một vai trò tích cực hơn trong việc duy trì thương mại tự do. Cùng với nhau, các nền kinh tế châu Á có thể sử dụng các diễn đàn như G20 và Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm cải thiện việc giám sát thương mại toàn cầu, giảm những căng thẳng thương mại, và ngăn chặn những chính sách lợi mình hại người và tự hại mình.

Nhằm cải thiện những cơ hội thành công, các nền kinh tế châu Á nên xóa bỏ những biện pháp bảo hộ mậu dịch ở trong các thị trường của chính mình, và hạn chế việc tung hàng hóa do sản xuất thừa ra thị trường toàn cầu với giá trợ cấp. Trung Quốc, là nước hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ Mỹ, EU và Nhật Bản về hành vi thương mại không công bằng - bao gồm việc trợ cấp hàng xuất khẩu, thao túng đồng tiền, đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ - có một trách nhiệm đặc biệt ở khía cạnh này.

Châu Á nên làm gì để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ? ảnh 2Công nhân tại một nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Các nền kinh tế châu Á cũng nên xúc tiến thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực của mình. Mười nền kinh tế của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với 6 nền kinh tế khác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và New Zealand), đã nhất trí phát động Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Thỏa thuận này có thể tạo đà cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa thương mại trong khu vực.

Một hiệp định khác có tiềm năng đáng kể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kế thừa của TPP, đã xuất hiện sau khi Mỹ rút không tham gia. Bảy nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) đã ký thông qua hiệp định, và các nền kinh tế này chiếm tổng cộng 13,5% GDP toàn cầu, chưa kể sẽ có thêm nhiều nước khác sẽ tham gia. Nếu Trung Quốc tham gia, và Mỹ quay trở lại, tác động tích cực của hiệp định này sẽ được tăng cường một cách đáng kể.

Cuối cùng, các nền kinh tế châu Á nên tăng cường các cỗ máy tăng trưởng trong nước của mình, bao gồm tiêu dùng và đầu tư, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, các nền kinh tế này nên theo đuổi những chính sách hỗ trợ việc tạo công ăn việc làm có chất lượng cũng như chuyển thêm những khoản tiết kiệm của công ty sang cho người tiêu dùng.

Đồng thời, những quốc gia này nên cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty trong nước và nước ngoài, bằng việc loại bỏ những quy định quá đáng về sản phẩm, lao động, và thị trường tài chính. Ngoài ra, cũng nên đầu tư thêm vào các ngành công nghiệp dịch vụ năng suất cao - như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, viễn thông, và dịch vụ tài chính.

Chính quyền Trump dường như sẽ đi theo một con đường bảo hộ mậu dịch mang tính tàn phá. Nhưng, thay vì có hành vi trả đũa, các nền kinh tế châu Á nên coi nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu là cơ hội để điều chỉnh lại những mô hình phát triển của mình, từ đó gia tăng thịnh vượng và sự phát triển bền vững, chưa nói đến việc gia tăng vị trí của mình như những bên tham gia mang tính xây dựng toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục