Châu Á tụt hậu ở BXH các trường đại học hàng đầu

Hai quốc gia Mỹ và Anh đã "bỏ rơi" châu Á một khoảng cách xa trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Châu Á vẫn tụt hậu xa sau Mỹ và Anh trong xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Hai nước này tiếp tục chi phối tốp 10 trong bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) các trường đại học trên thế thế giới năm 2013.

Xếp hạng QS các trường đại học được thực hiện hàng năm đối với tất cả các trường đại học trên toàn thế giới, trên cơ sở uy tín đào tạo, tín nhiệm của các chủ sử dụng lao động, tỷ lệ sinh viên và giáo sư, tỷ lệ giảng viên và sinh viên quốc tế.

Vị trí số một là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ, xếp ở hai vị trí tiếp theo thuộc về Đại học Cambridge của Anh và Đại học Havard của Mỹ.

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng đầu khu vực châu Á, song mới đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng QS. Năm nay cũng là lần đầu tiên NUS vượt qua Đại học Hong Kong (xếp thứ 26) trở thành cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Người đứng đầu nghiên cứu QS, Ben Sowter cho biết mặc dù các cơ sở đào tạo đại học ở châu Á đã liên tục cải thiện hình ảnh và chất lượng của mình trong 6 năm qua, song vẫn là một thách thức quá lớn để một trường đại học trong khu vực có thể lọt được tốp 10 trường đứng đầu thế giới cùng với các trường đại học của Mỹ và Anh.

Theo Ben Sowter, Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, là một con hổ châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của mình để có thể duy trì được vị trí và vai trò tương xứng của mình trong khu vực và trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng QS toàn cầu, Đại học Indonesia - cơ sở đào tạo số một của đất nước “Vạn Đảo” xếp tận thứ 309.

Tính riêng khu vực châu Á, các trường đại học được đánh giá theo 9 chỉ số, bao gồm danh tiếng học thuật, tín nhiệm của các chủ việc, tỷ lệ giảng viên và sinh viên, tỷ lệ giảng viên và sinh viên nước ngoài, số lượng bài báo và nghiên cứu được xuất bản và công bố, quan hệ với các cơ sở đào tạo hàng đầu ngoài trong và ngoài khu vực.

Xếp ở vị trí đầu tiên là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Đại học Hong kong và NUS cùng đứng thứ hai, tiếp theo Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc ) và thứ năm là Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Đại học Indonesia được xếp hạng 64./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục