Châu Âu 'chệch hướng' trong bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran

Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Iran Ayatollah Ahmad Jannati cho rằng bằng cách đề xuất cuộc thảo luận về tên lửa cho thấy châu Âu đang không theo đuổi hướng đi thích hợp trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Châu Âu 'chệch hướng' trong bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Toàn cảnh lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền trung Iran, cách thủ đô Tehran 190km về phía tây nam ngày 26/8/2006. (Nguồn: Reuters /TTXVN)

Theo hãng Reuters, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Iran, Giáo sĩ Ayatollah Ahmad Jannati ngày 4/9 cho rằng châu Âu không giúp bảo vệ thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran bằng cách yêu cầu thương thuyết bổ sung về các vấn đề như tên lửa.

Ông Jannati là một giáo sỹ theo đường lối bảo thủ chống phương Tây mạnh mẽ, đứng đầu một hội đồng có tầm ảnh hưởng lớn có thể bầu chọn và cách chức nhà lãnh đạo tối cao Iran.

Theo IRNA, ông Jannati đã nêu rõ rằng: "Châu Âu tuyên bố rằng họ sẽ không bỏ rơi thỏa thuận hạt nhân. Trên thực tế, bằng cách đề xuất một cuộc thảo luận về tên lửa và các vấn đề khác cho thấy họ đang không theo đuổi một hướng đi thích hợp."

[Iran chỉ trích lời kêu gọi của Pháp đàm phán thêm thỏa thuận hạt nhân]

Bình luận trên được giáo sỹ Jannati đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi tuần trước cho rằng Tehran nên sẵn sàng đàm phán về các kế hoạch hạt nhân trong tương lai, kho vũ khí đạn đạo của Iran cũng như vai trò của Tehran trong các cuộc chiến ở Syria và Yemen. Bộ ngoại giao Iran sau đó đã phản đối ý tưởng này.

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Các bên khác theo đuổi thỏa thuận này, gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức - đang nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.

Hồi tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định chi 18 triệu euro (21 triệu USD) viện trợ cho Iran để bù đắp sự ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, một phần trong những nỗ lực nhằm cứu cứu vãn thỏa thuận hạt nhân quốc tế nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục