Châu Âu đang cân nhắc kế hoạch ''ly hôn'' với Mỹ?

Mỹ và châu Âu muốn tách ra vì không chỉ có quan điểm xung đột về mọi vấn đề từ viễn thông cho đến năng lượng, mà còn có những bất đồng sâu sắc về việc xây dựng cơ bản các khối quan hệ đối ngoại.
Châu Âu đang cân nhắc kế hoạch ''ly hôn'' với Mỹ? ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước các tướng lĩnh quân đội tại một căn cứ không quân ở Orleans-Bricy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng foreignpolicy.com, Hội nghị an ninh Munich năm nay được triệu tập theo chủ đề "Westlessness" (tạm dịch Phi Phương Tây).

Hàm ý này rất rõ ràng: Mỹ và châu Âu muốn tách ra vì không chỉ có quan điểm xung đột về mọi vấn đề từ viễn thông cho đến năng lượng, mà còn có những bất đồng sâu sắc về việc xây dựng cơ bản các khối quan hệ đối ngoại - cụ thể là hệ thống quốc tế nên hoạt động như thế nào?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thu hút sự chú ý bằng cách kêu gọi “Một con đường châu Âu” và nâng cao khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu do Pháp lãnh đạo, một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự độc lập thực sự nào khỏi Mỹ. Đó là chân lý của mối quan hệ quốc tế mà các nền dân chủ không gây chiến với nhau.

Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là các điều kiện mà theo đó họ có thể tách thành các khối cạnh tranh chiến lược. Lịch sử có đầy đủ các ví dụ về các nền dân chủ liên kết với nhau thành các liên minh chiến lược, nhưng cũng có một vài ví dụ về các nước như vậy chia tách và biến thành các đối thủ chính trị.

Mỹ và các đồng minh thân cận nhất ở châu Âu đang trên con đường dẫn tới một cuộc li hôn lịch sử?

[Rạn nứt Mỹ-châu Âu thêm sâu sắc liên quan Dòng chảy phương bắc 2]

Nếu theo các cuộc thăm dò dư luận, thì Mỹ và châu Âu đã chia tách. Không nơi nào cảm nhận vấn đề này hơn ở Đức, quốc gia quan trọng nhất ở châu Âu.

Tháng 1 vừa qua, Pew Research đã công bố một cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng 57% người Đức có quan điểm hoàn toàn không hài lòng về Mỹ.

Một vài tháng trước đó, tháng 9/2019, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu đã thông báo rằng 70% người Đức muốn đất nước của họ ở thế trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Moskva và Washington.

Sự thôi thúc chống Mỹ của Đức là một hiện tượng nhiều mặt bám sâu vào trong cả đời sống chính trị và xã hội. Đối với một số người Đức, chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon được coi là tàn nhẫn và hoang dã, làm suy thoái trật tự xã hội để phục vụ cho mục đích, lòng tham cá nhân.

Đối với những người khác, việc Mỹ thống trị phương Tây đã gây ra sự phẫn nộ, đặc biệt trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa, thậm chí ngay cả khi những cú sốc dù nhỏ nhất từ bên kia Đại Tây Dương cũng có khả năng làm chệch hướng chính sách ngoại giao của Đức.

Tuy nhiên, hầu hết người dân Đức đều tỏ ra thất vọng về Mỹ, và đặc biệt với chính quyền của Tổng thống Donald Trump vì không tôn trọng tham vọng chính yếu của Hội nghị An ninh Munich: chính sách ngoại giao đa phương.

Trên thực tế, thậm chí ngay cả những người tự do ở Mỹ cũng hoài nghi về chủ nghĩa đa phương theo phong cách châu Âu.

Thomas Wright thuộc Viện nghiên cứu Brookings mới đây cho rằng, cánh tả ở Mỹ thích “cách tiếp cận dựa trên các giá trị với những người cùng chí hướng để duy trì một quan điểm kiên định về tự do quốc tế,” thay vì một “dự án tập hợp tất cả mọi người lại với nhau - bao gồm cả các nước như Trung Quốc và Nga.”

Cách tiếp cận này có thể được Đức hoan nghênh, còn chính quyền Trump thì không vì họ chỉ tập trung vào kết quả của tiến trình. Đây là một đòn giáng vào Đức, những người có chuyên môn kỹ thuật cao trong quản trị toàn cầu nhưng sa lầy vào những vùng đất bụi bẩn trong cạnh tranh địa chính trị.

Tại Munich, các quan chức Đức tự hào tuyên bố tổ chức hội nghị về Libya để cố gắng giành sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng họ thừa nhận rằng những nỗ lực của họ không thể làm gì để ngăn chặn cuộc xung đột.

Với việc Mỹ thất vọng về Đức (và Anh bị phá hủy bởi Brexit), Pháp đã nhận thấy cơ hội để thúc đẩy giấc mơ Gaullist của mình. Họ đã tìm cách tăng quyền lực cho Liên minh châu Âu (EU) trong khi hạn chế NATO.

Một quan chức Mỹ gần đây nói rằng: “Pháp muốn NATO giống như tổng đài 911 - một đường dây báo cháy khẩn cấp nhưng ở cấp độ 5 điều này khó có thể xảy ra.” Điều này đã tạo ra căng thẳng giữa Paris và Washington, vốn muốn có một NATO tích cực hơn.

Nhưng những xích mích đó vẫn chủ yếu ở mặt kỹ thuật vì một lí do đơn giản: tầng lớp chính trị Mỹ muốn bảo đảm rằng châu Âu sẽ không rời bỏ Mỹ. Điều này đúng vì ba lí do được thể hiện tại Munich hồi tuần trước.

Thứ nhất, châu Âu vẫn đang chia rẽ nội bộ. Tại Munich, Đại diện cấp cao EU Josep Borrell đã thúc đẩy vấn đề này một cách hiệu quả trong cuộc đối thoại gây tranh cãi với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jacek Czaputowicz, người dành sự cân bằng trong những nhận xét của mình về chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương.

Ông Borrell phản biện: “Bạn sống trong tự do bởi nhờ có Vatican và Mỹ. Nhưng tôi sống dưới chế độ độc tài trong 40 năm cũng vì Vatican và Mỹ. Tôi không thể nói rằng tôi cũng có quan điểm như vậy về Mỹ.”

Ngay cả những nước được cho là đồng minh gần gũi nhất, Đức và Pháp, đã có những quan điểm kkhác nhau trong hội nghị. Ông Macron đã đưa ra một loạt sáng kiến, tất cả xung đột với các tiếp cận ổn định hơn, dễ đoán của Đức.

Khi ông Macron đưa ra các quan điểm mới, bao gồm cả việc tiếp cận chiến lược với Nga, Đức đã phản đối. Từ phía tây Balkans cho tới Libya, hai quốc gia quan trọng nhất châu Âu này đã xảy ra bất hòa.

Khác biệt của họ còn mở rộng đến cấu trúc chính trị của châu Âu. Với tính cách khoác lác điển hình của mình, ông Macron đến Munich để phát biểu nhưng cũng để làm việc với báo chí Đức và gặp gỡ với đảng đối lập Đức - tất cả là để phục vụ cho quan điểm của ông về châu Âu.

Có người cho rằng: “Nếu giới lãnh đạo Đức hành động theo cách này ở Paris, thì đó sẽ là sự phẫn nộ.”

Thứ hai, dựa trên bất kỳ chỉ số sức mạnh nào, châu Âu đang trong quá trình suy yếu. Nền kinh tế cố chấp của châu Âu không chấp nhận rủi ro để tạo ra sự đổi mới và nhân khẩu học của châu Âu ngày càng tồi tệ.

Khả năng quân sự của Tây Âu có nhiều chuyện khôi hài. Một chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi: “Lý do gì việc tổ chức một hội nghị an ninh lại diễn ra ở một quốc gia mà quân đội của họ nhỏ hơn quân đội của Pháp?”

Ngay cả xu hướng chính thống đáng tin cậy của lục địa này cũng đang lung lay. Không ai có thể nói rằng các đảng có chủ trương ôn hòa có thể giành chiến thắng trong những năm 20 của thế kỷ này; thậm chí ông Macron có thể ở lại điện Élysée sau năm 2022.

Kết quả là, khi người Mỹ nhìn sang châu Âu, họ thấy một lục địa tàn tạ cần sự ủng hộ của Mỹ chứ không phải một EU đang ngạo nghễ trên đỉnh cao.

Thứ ba, người Mỹ nhận ra rằng châu Âu thiếu lực hấp dẫn. Nếu châu Âu thực sự tách khỏi Mỹ, họ sẽ phải chật vật để tìm ra các bên thứ ba mà sẽ chọn họ thay vì Mỹ.

Từ Jerusalem cho đến Tokyo, các đối tác tự nhiên của châu Âu tất cả đều duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington hơn là châu Âu.

Các trung tâm quyền lực lớn của thế giới không chia sẻ sự đồng cảm của châu Âu về chủ nghĩa siêu quốc gia cũng như thương hiệu đặc trưng của nó về chính sách ngoại giao đa phương. Kết quả, người Mỹ nhận ra rằng châu Âu rất muốn tách khỏi Mỹ trong từng vấn đề một hơn là chấp nhận một lập trường chiến lược độc lập.

Tuy nhiên, thế giới đầy những người theo đuổi những đề nghị hợp tác hấp dẫn. Cụ thể, hai quốc gia phi tự do nhất, Trung Quốc và Nga, đang khuyến khích châu Âu trôi dạt khỏi Mỹ.

Cả hai nước này đang cung cấp các lựa chọn thay thế cho trật tự quốc tế tự do về viễn thông và năng lượng.

Đáng chú ý, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của Đức vào Trung Quốc đang đẩy nước này xa khỏi Mỹ và ngày càng có quan điểm trung lập hơn về các vấn đề an ninh quan trọng. Xu hướng này chỉ có khả năng tăng lên trong những năm tới.

Do đó, nếu có điều gì đó đối với tính chất Phi phương Tây, thì một số người châu Âu sẽ nhanh chóng quên rằng thế giới này đã kém hấp dẫn như thế nào trước khi có Hòa bình kiểu Mỹ. Hiếm khi phương Tây được thoải mái như hiện nay.

Mỹ có thể đòi hỏi một mối quan hệ cân bằng hơn về mọi thứ từ thương mại đến an ninh, nhưng đó là một cái giá khá nhỏ phải trả cho hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Mỹ chắc chắn không giống như Trung Quốc, tình cảm của họ đối với châu Âu là chân thành - và bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục