Châu Âu đang mộng du và bị rơi vào quên lãng?

Theo mạng tin project-syndicate, châu Âu đang mộng du và bị rơi vào quên lãng, người dân châu Âu cần tỉnh giấc trước khi quá muộn.
Châu Âu đang mộng du và bị rơi vào quên lãng? ảnh 1Toàn cảnh một cuộc họp Nghị viện châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin project-syndicate, châu Âu đang mộng du và bị rơi vào quên lãng, người dân châu Âu cần tỉnh giấc trước khi quá muộn. Nếu họ không thức tỉnh, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi theo "vết xe đổ" của Liên bang Xô Viết năm 1991.

Dường như các nhà lãnh đạo châu Âu và cả những người dân thường đều không nhận thức được rằng châu Âu đang trải qua thời khắc mang tính cách mạng, khi mà một loạt khả năng rất có thể xảy ra và không ai biết trước được kết quả cuối cùng.

Bước ngoặt sắp tới sẽ là các cuộc bỏ phiếu để bầu ra Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 5/2019. Điều không may là các lực lượng chống hội nhập châu Âu sẽ có lợi thế trong các cuộc bầu cử này.

Có rất nhiều lý do giải thích cho nhận định này, bao gồm hệ thống đảng phái đã lỗi thời đang phổ biến ở phần lớn các nước châu Âu, thực tế không thể thay đổi các hiệp ước, và thiếu các công cụ pháp lý để kỷ luật các quốc gia thành viên vi phạm các nguyên tắc của EU.

EU có thể áp đặt acquis communautaire (thể chế luật pháp của EU) đối với các quốc gia thành viên, song liên minh này không đủ khả năng để buộc các nước thành viên phải tuân thủ.

Hệ thống đảng phái lỗi thời cản trở những ai muốn giữ gìn những giá trị là nền tảng của EU, song lại giúp ích cho những người muốn thay thế những giá trị này bằng những điều khác biệt hoàn toàn. Điều này đúng với các quốc gia đơn lẻ, và thậm chí còn đúng hơn đối với những liên minh xuyên châu Âu.

Hệ thống đảng phái của các quốc gia đơn lẻ phản ánh sự chia rẽ tồn tại từ thế kỷ 19, 20, ví dụ như xung đột giữa tầng lớp tư bản và tầng lớp lao động. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là sự chia rẽ giữa các lực lượng ủng hộ và lực lượng chống hội nhập châu Âu.

Quốc gia đang chiếm ưu thế trong EU là Đức, và liên minh chính trị đang chỉ phối tại Đức - giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) hoạt động tại bang Bavaria - đang bị lung lay.

Tại bang Bavaria, hầu như không có đảng phái chính trị lớn nào có vị thế tương đương CSU. Tuy nhiên điều này đã thay đổi khi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) nổi lên.

Trong cuộc bầu cử bang hồi tháng 9 năm ngoái, CSU đạt kết quả tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua, và AfD lần đầu tiên bước vào Quốc hội bang Bavaria.

Sự nổi lên của AfD đã xóa bỏ lý do tồn tại của liên minh CDU-CSU. Tuy nhiên, liên minh này không thể bị phá vỡ nếu không có các cuộc bầu cử mới, điều mà cả Đức và châu Âu sẽ đều không thể chịu đựng được.

Kết quả là liên minh cầm quyền hiện nay không thể ủng hộ hội nhập châu Âu một cách mạnh mẽ như trước đây, khi không có sự đe dọa của AfD ở ngay bên cạnh sườn.

Tình hình chưa phải là vô vọng. Đảng Xanh trở đảng duy nhất kiên định ủng hộ hội nhập châu Âu tại Đức, và họ tiếp tục nổi lên trong các cuộc thăm dò dư luận, trong khi AfD dường như đã chạm tới đỉnh cao nhất của mình (ngoại trừ ở khu vực Đông Đức cũ). Tuy nhiên, hiện nay các cử tri của CDU/CSU đang được đại diện bởi một đảng vẫn giữ thái độ nước đôi đối với những cam kết về các giá trị của châu Âu.

Tại Anh cũng vậy, cấu trúc đảng phái lỗi thời gây cản trở mong muốn được bày tỏ quan điểm của người dân. Cả Công đảng và đảng Bảo thủ đều bị chia rẽ từ bên trong, nhưng lãnh đạo của hai đảng này là Jeremy Corbyn và Theresa May đều rất quyết tâm thực hiện Brexit (đưa Anh ra khỏi EU) - mục tiêu mà họ đã nhất trí hợp tác để đạt được.

Tình hình phức tạp tới nỗi phần lớn người dân Anh chỉ muốn nhanh chóng vượt qua vấn đề này, mặc dù đây sẽ là sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới tương lai nước Anh trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Corbyn và May đã gây ra sự phản đối trong nội bộ hai đảng, và trong trường hợp của Công đảng sự phản đối này gần giống với một cuộc nổi loạn. Sau ngày ông Corbyn và bà May gặp nhau, bà May đã công bố một chương trình viện trợ cho những cử tri nghèo đói của Công đảng ủng hộ Brexit ở miền Bắc nước Anh.

Ông Corbyn hiện bị báo buộc phản bội cam kết mà ông đã đưa ra tại hội nghị của Công đảng hồi tháng 9 năm ngoái là ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit nếu không thể tổ chức được một cuộc bầu cử.

Dư luận cũng bắt đầu nhận thức được những hậu quả thảm khốc của Brexit. Khả năng thỏa thuận của bà May sẽ bị bác bỏ vào ngày 14/2 tới đây ngày càng lớn. Điều này sẽ dẫn tới một làn sóng ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, hoặc thậm chí tốt hơn nữa là rút lại thông báo kích hoạt Điều 50 của Anh (Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định cách thức một nước thành viên sẽ rời khỏi EU như thế nào).

[Đối phó nhiều thách thức, hỗn loạn, châu Âu phải làm gì?]

Italy cũng đang rơi vào tình thế khó khăn tương tự. EU đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong năm 2017 khi thi hành một cách nghiêm ngặt Thỏa thuận Dublin, tạo ra những gánh nặng một cách không công bằng đối với các quốc gia như Italy- một trong những cửa ngõ của người di cư muốn xâm nhập vào EU. Chính điều này đã đẩy những cử tri ủng hộ hội nhập châu Âu và ủng hộ nhập cư vào "vòng tay" của đảng Liên đoàn và Phong trào 5 Sao chống châu Âu trong năm 2018.

Đảng Dân chủ Italy trước đây từng chiếm ưu thế vượt trội hiện đang rơi vào hỗn loạn. Kết quả là, một bộ phận cử tri quan trọng có quan điểm ủng hộ châu Âu không có đảng đại diện để bỏ phiếu. Tuy nhiên, tại Italy hiện đang có một nỗ lực nhằm tập hợp các lực lượng ủng hộ châu Âu. Quá trình tương tự nhằm sắp xếp lại hệ thống đảng phái cũng đang diễn ra ở Pháp, Ba Lan, Thụy Điển và có thể là còn nhiều nơi nữa.

Đối với những liên minh xuyên châu Âu thì tình hình tồi tệ hơn nhiều. Ít nhất các đảng phái quốc gia có gốc rễ vững chắc từ trong quá khứ, song những liên minh xuyên châu Âu hoàn toàn chỉ phục vụ lợi ích riêng của các lãnh đạo liên minh. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) là một trường hợp điển hình.

EPP gần như hoàn toàn hoạt động không có nguyên tắc, thể hiện rõ nhất qua việc đảng này sẵn sàng tiếp tục công nhận tư cách thành viên của đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nhằm đảo bảo rằng EPP chiếm đa số trong Nghị viện châu Âu và tiếp tục kiểm soát những vị trí hàng đầu trong EU.

Ít có khả năng các đảng ủng hộ châu Âu có thể giành được chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, trừ khi họ đặt lợi ích của châu Âu lên trên lợi ích riêng. Nhiều người lập luận rằng vẫn nên duy trì EU và tiến tới đổi mới hoàn toàn liên minh này. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thay đổi căn bản EU.

Bước đi đầu tiên nhằm bảo vệ châu Âu trước những kẻ thù, cả ở bên trong và bên ngoài, là thừa nhận mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà họ đang phải đối mặt.

Thứ hai là cần thức tỉnh những lực lượng ủng hộ châu Âu và triển khai các lực lượng này nhằm bảo vệ các giá trị là nền tảng của EU. Nếu không làm được những điều này thì giấc mơ về một châu Âu thống nhất sẽ trở thành một cơn ác mộng của thế kỷ 21./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục