Châu Âu đề xuất đánh thuế cao đối với các công ty dầu mỏ

Theo phân tích của Greenpeace, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, các công ty dầu mỏ đã kiếm thêm ít nhất 3 tỷ euro lợi nhuận nhờ giá nhiên liệu tăng cao ở châu Âu.
Châu Âu đề xuất đánh thuế cao đối với các công ty dầu mỏ ảnh 1Một trạm bơm xăng tại Essen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để đối phó với ảnh hưởng của lạm phát tăng cao ở châu Âu, nhiều đề xuất giải pháp đã được nêu ra.

Đáng chú ý, đề xuất đánh thuế cao đối với các công ty dầu mỏ để hỗ trợ mức sống của người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo phân tích của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) Trung và Đông Âu công bố ngày 6/4, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, các công ty dầu mỏ đã kiếm thêm ít nhất 3 tỷ euro lợi nhuận nhờ giá nhiên liệu tăng cao ở châu Âu. Tại Bỉ là khoảng 68 triệu euro, tương đương hơn 2 triệu euro mỗi ngày.

Tính chung trong tháng 3/2022, ngành công nghiệp dầu mỏ có được trung bình 1,18 tỷ euro doanh thu bổ sung ở Đức, 412,3 triệu euro ở Pháp, 387,5 triệu euro ở Italy, 235,6 triệu euro ở Tây Ban Nha cũng như 133,3 triệu euro ở Áo và Hà Lan nhờ doanh thu từ xăng và dầu diesel.

Đặc biệt là doanh thu đối với dầu diesel bán tại các trạm xăng, cũng tăng đáng kể ở Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1-3/2022 với mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Đức với 28,3 xu Mỹ/lít, tiếp theo là Áo (19 xu Mỹ/lít), Hà Lan (18,9 xu Mỹ/lít), Italy (17 xu Mỹ/lít) và Pháp (15 xu Mỹ/lít).

Thomas Leroy, phát ngôn viên của Greenpeace, cho biết: “Hiện nay, người dân châu Âu đang phải chi trả rất cao cho xăng dầu hoặc để sưởi ấm. Các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục, đồng thời tài trợ cho các cuộc xung đột."

[EC hỗ trợ kỹ thuật nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga]

Cũng theo Thomas Leroy, nước Bỉ cần đề xuất với EU nhằm đánh thuế cao đối với thu nhập này của các công ty dầu khí và sử dụng nguồn tài chính thu được để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do lạm phát tăng cao cũng như cho các nỗ lực của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, cuộc khủng hoảng này có thể khiến EU bắt đầu chuyển hướng sang một chính sách khí hậu công bằng về mặt xã hội.

Cùng với tư tưởng này, tổ chức Hòa bình Xanh cũng yêu cầu các chính phủ châu Âu “ngăn chặn các công ty dầu mỏ kiếm lợi từ các cuộc xung đột bằng cách đánh thuế siêu lợi nhuận của họ từ các cuộc khủng hoảng và kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU sử dụng các khoản tiền này để hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay."

Tổ chức Hòa bình Xanh cũng khẳng định cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành giao thông vận tải theo hướng Xanh hơn và thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, giới chức Brussels cũng đang xem xét tăng số ngày không có ôtô trong năm. Trước đó, hàng năm, vào trung tuần tháng Chín, Brussels tổ chức một ngày Chủ nhật không ôtô trên toàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục