Châu Âu hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh

Luật Cạnh tranh tại Việt Nam được ban hành ngày 3/12/2004, nhằm kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh và kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Châu Âu hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh ảnh 1Dây chuyền may áo sơmi xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại, Xuất nhập khẩu Datex Thái Bình. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả đạt được cũng như những bất cập của việc thực thi Luật cạnh tranh, ngày 16/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam (VCC) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức hội thảo “10 năm thực thi Luật cạnh tranh ở Việt Nam và những bài học kinh nghiệm của châu Âu.”

Theo ông Claudio Dordi, Trưởng Nhóm tư vấn Dự án EU-MUTRAP, tại châu Âu, Luật Cạnh tranh được thực thi cách đây 20 năm và đã phát huy được hiệu quả.

Đặc biệt, hiện nay, Luật Cạnh tranh không chỉ là một vấn đề quan trọng trong nước mà còn là tiền đề và nội dung không thể thiếu trong các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia.

Riêng Việt Nam là một quốc gia năng động về phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, nên việc khắc phục những bất cập tồn tại, phát huy hiệu quả của Luật Cạnh tranh là vấn đề cấp thiết.

Với những kinh nghiệm của EU, đặc biệt là các chuyên gia thuộc Dự án EU-MUTRAP sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập thị trường toàn cầu.

Tính đến nay, tại Việt Nam có hơn 100 vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh bị điều tra và xử lý, trong đó có 20 doanh nghiệp bị xử phạt tiền, hơn 30 doanh nghiệp phải chịu phí xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh đã thi hành đầy đủ quyết định của Hội đồng Cạnh tranh.

Tiến sỹ Trần Mai Hiến, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Cạnh tranh, cho biết đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vị trí độc quyền cần hiểu biết về những điều được làm và không được làm để không vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần cân nhắc kỹ các quy định, hiểu biết đúng đắn về từng điều khoản để thực hiện đúng.

Tiến sỹ Trịnh Minh Hiền, Chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cho rằng, đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần hạn chế các lĩnh vực kinh doanh có doanh nghiệp độc quyền.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan để chuẩn bị xử lý một vụ việc hạn chế cạnh tranh, phải được công bố công khai, kịp thời và có phân tích, giải thích đầy đủ cho doanh nghiệp hiểu rõ về hành vi vi phạm. Từ đó, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều tích lũy được kinh nghiệm, góp phần tạo môi trường cạnh tranh ngày càng lành mạnh ở Việt Nam.

Luật Cạnh tranh tại Việt Nam được ban hành ngày 3/12/2004, nhằm kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh và kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đáng chú ý, việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh được đánh giá là vấn đề có tính chất phức tạp, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện song song các điều tra, phân tích kinh tế-kỹ thuật để xử lý phù hợp với các quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục