Tăng kiểm soát ngân sách

Châu Âu ra biện pháp kiểm soát ngân sách kinh tế

Ngày 3/10, một số nước châu Âu thông báo các biện pháp nhằm kiểm soát ngân sách, tăng nguồn thu quốc gia và kích thích kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế ngày một trầm trọng và trước sức ép của các nhà cho vay quốc tế, ngày 3/10 chính phủ một số nước châu Âu đã thông báo các biện pháp nhằm kiểm soát ngân sách, tăng nguồn thu quốc gia và kích thích kinh tế.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra kế hoạch điều chỉnh về tăng thuế đối với một số đối tượng, trong đó đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng các mục tiêu về giảm thâm hụt mà các nhà cho vay quốc tế coi như điều kiện tiên quyết để Bồ Đào Nha có thể giành được các khoản cứu trợ.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Tài chính ở Lisbon, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar cho biết trong kế hoạch mới này chính phủ dự kiến điều chỉnh tăng thuế thu nhập cá nhân nói chung khoảng 4%.

Thậm chí các đối tượng có thu nhập cao thì mức thuế sẽ còn cộng thêm 2,5% nữa so với mức chung, tức là sẽ tăng từ mức 9,8% hiện nay lên 13,3%.

Kế hoạch này có sự thay đổi so với kế hoạch về thuế mà chính phủ nước này đưa ra hồi đầu tháng Chín trong đó dự kiến tăng nguồn thu ngân sách bằng cách tăng mức đóng góp an sinh xã hội từ 11% hiện nay lên 18%.

Kế hoạch ban đầu này đã gây nhiều tranh cãi đồng thời đã châm ngòi nổ cho những căng thẳng xã hội ở Bồ Đào Nha trong thời gian gần đây.

Việc thực hiện các biện pháp mới là nhằm đáp ứng các mục tiêu về thâm hụt ngân sách, vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp Bồ Đào Nha nhận được thêm các khoản tiền mới trong gói cứu trợ quốc tế trị giá 78 tỷ euro (102 tỷ USD).

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang giám sát Bồ Đào Nha thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu và cải cách để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro mà hai thể chế này nhất trí dành cho Lisbon từ năm 2011.

Các nguồn tin từ Lisbon cho biết Uỷ ban châu Âu (EC), một trong số ba nhà tài trợ quốc tế nằm trong Nhóm "Bộ ba" gồm IMF, EC và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), bước đầu đã thông qua các biện pháp sửa đổi mà Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra và đạt được thoả thuận về các chi tiết kỹ thuật của các biện pháp này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết chính phủ nước này đã đề ra kế hoạch nhằm phục hồi sức cạnh tranh của các nhà sản xuất và khởi động đà phục hồi kinh tế.

Theo kế hoạch này thì chính phủ sẽ giảm thu từ 8-10 tỷ euro mỗi năm từ khoản thuế mà các công ty phải nộp theo quỹ lương dành cho nhân viên của các công ty này.

Với biện pháp này thì khoản thu ngân sách quốc gia trong nhiệm kỳ năm năm của Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ bị giảm khoảng 40 tỷ euro.

Tuy nhiên Chính phủ Pháp coi đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay ở Pháp. Biện pháp này nhằm giảm gánh nặng thuế cho các công ty và giúp các công ty có điều kiện tăng sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Chính phủ Síp ngày 3/10 cũng rà soát lần cuối cùng kế hoạch kinh tế thắt lưng buộc bụng trước khi đưa ra bàn thương lượng với các nhà cho vay quốc tế.

Mục tiêu của kế hoạch này là tăng nguồn thu ngân sách khoảng 1,26 tỷ USD thông qua việc cắt giảm lương và phúc lợi đồng thời tăng thuế.

Kế hoạch này sẽ được thảo luận với các nhà lãnh đạo đối lập vào cuối tuần này trước khi đưa ra đàm phán với nhóm "Bộ ba" các nhà cho vay quốc tế vào giữa tháng 10./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục