Châu Âu sẽ ra sao bà Markel có kế hoạch rút lui khỏi chính trường?

Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là nhà môi giới đầy quyền lực ở châu Âu, tuy nhiên việc đếm ngược ngày bà rời khỏi vị trí thủ tướng Đức có thể sẽ khiến bà trở thành giảm quyền trong vấn đề quốc tế
Châu Âu sẽ ra sao bà Markel có kế hoạch rút lui khỏi chính trường? ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng AFP, suốt 13 năm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là một người đứng đầu tuyệt vời tại các hội nghị thượng đỉnh và là một nhà môi giới đầy quyền lực ở châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đếm ngược ngày bà rời khỏi vị trí thủ tướng Đức có thể sẽ khiến bà trở thành một “con vịt què” trong các vấn đề quốc tế.

Khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, các nhà bình luận tự do đã coi Thủ tướng Đức như một “nhà lãnh đạo thế giới tự do” mới đầy tiềm năng - một danh hiệu mà bà nhanh chóng bác bỏ vì sự “lố bịch.”

Cách tiếp cận ôn hòa, luôn tìm kiếm sự đồng thuận cùng quan điểm bảo vệ vững chắc trật tự thế giới đa phương đã khiến Merkel trở thành một nhân vật đối lập với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump trong các hội nghị quốc tế.

Về phần mình, Merkel hôm 30/10 nhấn mạnh rằng hiện “sẽ chẳng có gì thay đổi trong vị thế thương lượng của tôi” trên trường quốc tế cho đến thời điểm bà công bố rút lui vào năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này sẽ bị suy yếu trên “vũ đài” ngoại giao sau khi đưa ra thông báo từ bỏ chức thủ tướng Đức.

Cas Mudde, một giáo sư chính trị tại Đại học Georgia ở Mỹ, nói rằng bất cứ ai tiếp quản vị trí lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đều sẽ phải vật lộn để có được tầm ảnh hưởng quốc tế tương tự.

Mudde nói với hãng tin AFP: "Đó là khoảng trống mà bà ấy để lại - vị trí lãnh đạo chính trị cấp cao trong các nền dân chủ phương Tây."

Dù đã bị suy yếu trong nền chính trị Đức, song Mudde cho rằng việc thiết lập một chiếc đồng hồ đếm ngược ngày bà rời đi sẽ “làm xói mòn hơn nữa quyền lực trong nước và trên trường quốc tế của bà, điều mà vẫn còn có tầm quan trọng rất đáng kể”.

Tạm biệt nữ hoàng châu Âu

Đức đã bước đi rất thận trọng trên vũ đài toàn cầu kể từ Chiến tranh Thế giới II, cảnh giác với việc phô trương sức mạnh vì lo ngại sẽ khiến các nước láng giềng hoảng sợ.

Tuy nhiên ở châu Âu, Merkel đã thể hiện vai trò đầy ảnh hưởng như một nhà môi giới, ít nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp 2010-2015 và trong việc dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) đối phó với việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Với một châu Âu vốn đã bị chia rẽ sâu sắc bởi vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) và làn sóng người di cư ồ ạt, các quan chức và giới phân tích ở Brussels lo sợ quyết định rời đi của Merkel sẽ báo hiệu thêm nhiều bất ổn cho EU.

[Thủ tướng Đức Merkel: "Từ chức không ảnh hưởng đến vị thế quốc tế"]

Lueder Gerken, người đứng đầu Trung tâm Chính sách châu Âu, nhận định: “Đối với EU, khoảng trống quyền lực ở Berlin là vô cùng bi thảm.

Thủ tướng (Merkel) sẽ khó có khả năng thuyết phục được thế giới rằng bà có thể tiếp tục là người bảo đảm sự ổn định ở một mức độ nào đó cho EU.”

Tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng bà Merkel đưa ra thông báo trên tại một thời điểm không thích hợp bởi vừa bùng phát một cuộc tranh cãi lớn về ngân sách chi tiêu của Italy.

Theo tổ chức này, hơn bao giờ hết, lúc này khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cần một đôi bàn tay khéo léo để dàn xếp ổn thỏa mọi việc, và Merkel chính là chìa khóa để môi giới những thỏa hiệp trong quá khứ.

Tuy nhiên, vị thế suy yếu của bà có thể đồng nghĩa với việc khả năng đạt được một thỏa thuận liên quan đến ngân sách của Italy sẽ mất nhiều thời gian hơn, làm gia tăng nguy cơ lây lan sang các thị trường khác.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rất nỗ lực để giành được sự ủng hộ của Merkel trong vấn đề cải tổ sâu rộng EU. Bộ trưởng Pháp về các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau nói: “Nhiều sáng kiến của tổng thống (Pháp) không thể thực hiện được nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức,” đặc biệt là trong vấn đề quan hệ quốc phòng chặt chẽ.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Merkel dành cho kế hoạch thay đổi toàn diện EU đầy tham vọng của Marcon đã trở nên mờ nhạt và đang bị hoài nghi sâu sắc. Nhà bình luận ủng hộ EU Gideon Rachman nhận định trên tờ Financial Times rằng quyết định rời đi của Merkel chính là một “tin xấu” đối với kế hoạch cải cách của Macron.

Một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Merkel nói chung tại châu Âu, nơi bà đã đặc biệt thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Anh hậu Brexit, sẽ sớm bị suy yếu.

Tuy nhiên, Nils Diederich - nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Tự do ở Berlin - dự đoán rằng bà sẽ vẫn tiếp tục là một nhà trung gian, người điều tiết các tranh chấp đầy căng thẳng của EU, như những gì liên minh này phải đối mặt với Italy và Hungary.

Diederich nói: “Trong những tháng gần đây, rõ ràng các vấn đề châu Âu đã biểu trưng cho những lợi ích cơ bản của Merkel. Bà mới chính là bộ trưởng ngoại giao thực sự của Đức.”

Tiến lên, Macron?

Merkel đưa ra thông báo trên chỉ một ngày sau khi cử tri Brazil bầu ra được một tổng thống cực hữu. Thông báo của bà Merkel cũng được đưa ra trong bối cảnh những người theo chủ nghĩa dân túy đang phát triển mạnh mẽ trên khắp châu Âu và xa hơn nữa.

Tuyên bố của bà Merkel về việc không tái cử chức thủ tướng Đức cũng báo hiệu một điều là tiếng nói lãnh đạo chống lại chủ nghĩa dân tộc có nguy cơ suy yếu. Một số người dự đoán người kế nhiệm bà Merkel ở đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ sẽ thiên về phe cánh hữu để đối phó với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cực hữu đang trỗi dậy ở Đức.

Mudde đã nghiên cứu chủ nghĩa dân túy ở cả phe cánh hữu và cánh tả của Đại Tây Dương và cho biết Macron cũng như Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ lâu đã được coi là những người bảo vệ các giá trị tự do hàng đầu thế giới.

Ông nhấn mạnh: “Macron đã trở thành một người phản đối chủ nghĩa dân tộc thẳng thắn hơn Merkel rất nhiều”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục