Châu Âu sẽ thay đổi chính sách nhập cư sau khủng bố ở Paris?

Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris tối 13/11, câu hỏi đặt ra với nhiều quốc gia châu Âu là việc đảm bảo an ninh, trong đó có chính sách về người nhập cư.
Châu Âu sẽ thay đổi chính sách nhập cư sau khủng bố ở Paris? ảnh 1Binh sỹ Pháp tuần tra tại khu vực Tháp Eiffel ở Paris ngày 14/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris tối 13/11, câu hỏi đặt ra với nhiều quốc gia châu Âu là việc đảm bảo an ninh, trong đó có chính sách về người nhập cư.

Nguy cơ về chủ nghĩa khủng bố quốc tế ngày càng lớn

Chúng ta đang sống trong một thế giới với sự vận động, biến đổi không ngừng. Chủ nghĩa khủng bố cũng đã biến đổi, lớn mạnh trên tất cả các phạm trù từ âm mưu, mức độ, phạm vi, phương cách hành động… và trên tất cả, có thể nói bọn khủng bố đã có cả một chiến lược phát triển trên toàn cầu.

Như thế, âm mưu hay chiến lược của bọn khủng bố quốc tế ngày càng lớn và thâm độc. Chúng và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã không giấu tham vọng phát triển, thành lập nhà nước tại khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Âu.

Chúng đã tuyên bố sẽ đưa tới châu Âu thêm hàng triệu người Hồi giáo trong đó có rất nhiều thành viên của IS. Ai biết được trong dòng người tị nạn đã và đang vào châu Âu có bao nhiêu thành viên IS.

Mức độ tàn khốc của các cuộc khủng bố do IS và chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố quốc tế gây ra trong các vụ tấn công ngày càng lớn.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng gần đây, các cuộc tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, nghi vấn vụ đánh bom máy bay Nga tại Ai Cập và các vụ khủng bố liên hoàn tại Paris tối 13/11 đã gây ra thương vong cho hơn 1.000 người, trong đó số người chết đều vượt 100 người mỗi vụ.

Ngoài những tổn thất về nhân mạng trực tiếp, chúng còn gây ra sự hoang mang, bất an trong dân chúng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động dân sự bình thường, làm suy giảm nhiều ngành kinh tế nhất là lĩnh vực du lịch, và đặc biệt nó gây ra sự chia rẽ, nghi kỵ giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo…

Không dừng ở đó, nguy cơ về khủng bố do IS và hồi giáo cực đoan còn lớn hơn nếu chúng có thể sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt trong các hoạt động khủng bố.

Đề cập tới nguy cơ này có thể là hơi sớm nhưng cần thiết bởi như IS, với tiềm lực tài chính mạnh, chúng có thể sử hữu các loại vũ khí giết người hàng loạt như vũ khí hóa học, thậm chí là vũ khí hạt nhân từ các thị trường chợ đen.

Châu Âu sẽ thay đổi chính sách nhập cư sau khủng bố ở Paris? ảnh 2Cảnh sát kiểm tra nhóm người nhập cư tại sân ga ở Malmo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự thay đổi cần phải có trong chính sách về người nhập cư của châu Âu

Có lẽ đến giờ thì nhiều người dân và nhiều chính khách châu Âu đã nhận thấy cần có sự thay đổi về quan niệm và chính sách đối với người nhập cư và chính sách đối ngoại của châu Âu.

Lâu nay, châu Âu đã và đang thực hiện một chính sách hết sức tiến bộ, hết sức nhân bản đối với những người vì những lý do tình thế phải tị nạn, di dân, nhập cư vào châu Âu. Và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và trân quý những giá trị cao cả đó.

Nhưng những ưu đãi, những giá trị tiến bộ đó của châu Âu đang bị chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và IS lợi dụng để tiến hành khủng bố với mức độ và phạm vi ngày một lớn.

Châu Âu cũng đã rất nỗ lực để chống lại chủ nghĩa khủng bố nhưng có lẽ những cố gắng đó là chưa đủ. Vì thế, thời đại đòi hỏi châu Âu cần có sự thay đổi và châu Âu phải thay đổi.

Chỉ vài giờ sau khi xảy ra các vụ khủng bố tại Paris, sáng 14/11, ​Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố "nước Pháp ở trong tình trạng chiến tranh" với chủ nghĩa khủng bố và đóng cửa toàn bộ biên giới Pháp.

Việc tuyên bố nước Pháp trong tình trạng chiến tranh cho thấy Pháp sẽ áp dụng các biện pháp khác thường, những biện pháp trong thời chiến để đối phó với khủng bố.

Ngày 15/11, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Cazeneuve đã yêu cầu thành lập một Hội đồng đặc biệt các bộ trưởng nội vụ của Liên minh châu Âu để tăng cường cuộc chiến chống khủng bố bởi cuộc chiến này "cần phải được tăng cường trên tất cả các mức độ, đặc biệt là cấp độ châu Âu và quốc tế."

Như thế, có thể nói lãnh đạo đương nhiệm của Pháp đã nhận thức rõ hơn nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố đối với châu Âu.

Sau hội nghị tham vấn các đảng phái ngày 15/11, Tổng thống Pháp đã triệu tập hội nghị toàn thể Hạ viện và Thượng viện (rất hiếm tại Pháp) vào ngày 16/11 để bàn về các biện pháp chống khủng bố. Nhưng hơn thế, hội nghị này sẽ tạo ra một tinh thần mới trong việc đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Cũng trong sáng 15/11, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, chủ tịch đảng Những người Cộng hòa, lãnh đạo đối lập, đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp François Hollande.

Ông Sarkozy cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Hollande cần có những "điều chỉnh khắc nghiệt" trong chính sách về an ninh.

Trước đó, ông Sarkozy là một trong những chính khách hiếm hoi của châu Âu đưa ra ý kiến rằng phải thành lập các trại tị nạn bên ngoài châu Âu thay vì đón dòng người tị nạn vào châu Âu như Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia EU thuộc khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Romania, Hungary, Ba Lan lại phản đối kế hoạch của EU, không đồng ý tiếp nhận người nhập cư. Có thể các nước Đông Âu này hiểu nguy cơ từ dòng người nhập cư cũng như những nhóm khủng bố, IS và các thế lực khác lợi dụng họ.

Ngay từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nhập cư, nhiều người dân Pháp cũng đã bày tỏ ý kiến trên các mạng xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, IS lợi dụng dòng người di cư để thâm nhập châu Âu.

Báo chí Pháp cũng đã đưa tin từ lâu với những nhận định cho rằng không loại trừ việc nhiều thành viên IS hoặc có liên quan đến IS đã trà trộn vào dòng người tị nạn.

Và một khi các chính trị gia, báo chí, dư luận đều nhận thấy cần phải có sự thay đổi trong chính sách đối với người nhập cư, cần thay đổi trong chính sách đối ngoại thì các chính sách này phải thay đổi vì đó là yêu cầu tất yếu.

Tất nhiên, sự thay đổi ấy là điều không muốn đối với những người tị nạn, nhập cư lương thiện. Phải thay đổi. Không có cách nào khác nếu muốn cứu châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục