Châu Âu tăng cường giám sát hệ thống tài chính

Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã nhất trí tăng cường giám sát và điều chỉnh các thị trường tài chính, đồng thời tăng gấp đôi nguồn ngân sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã nhất trí tăng cường giám sát và điều chỉnh các thị trường tài chính, đồng thời tăng gấp đôi nguồn ngân sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
 
Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra ngày 22/2 tại thủ đô Berlin (Đức) nhằm thống nhất quan điểm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và đang phát triển (G-20) sắp tới.
 
Tham gia cuộc họp có lãnh đạo một loạt nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, CH Séc và Luxemburg, cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso.
 
Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng tất cả các thị trường tài chính, các sản phẩm và thành phần tham gia, kể cả những quỹ cứu trợ và nguồn vốn tư nhân, đều đứng trước "mối nguy cơ mang tính hệ thống", và đều cần được đặt dưới "sự giám sát hoặc điều chỉnh thích hợp".
 
Trên cơ sở nhận định "tính minh bạch và rõ ràng của mọi thành phần tham gia là yếu tố không thể thiếu đối với sự ổn định của các thị trường tài chính toàn cầu", các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng cường vai trò giám sát của Diễn đàn Ổn định tài chính (FSF), một tổ chức do các nước giàu lập ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, và sau đó mở rộng cho cả các nước đang phát triển.
 
Các bên cũng ủng hộ việc bổ sung 250 tỉ USD vào nguồn vốn ngân sách của IMF, tức là tăng gấp đôi so với mức hiện nay, để tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa IMF và FSF. Các nhà lãnh đạo châu Âu còn cam kết sẽ thực hiện những biện pháp kích thích kinh tế và các kế hoạch giải cứu tài chính nhằm hạn chế đến mức tối đa sự "bóp méo cạnh tranh", đồng thời phản đối "chủ nghĩa bảo hộ".
 
Phát biểu sau cuộc họp do Đức đăng cai, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục các nước đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đóng góp xây dựng những quy chế chặt chẽ, trên cơ sở đó tạo ra một cơ cấu an toàn cho thị trường tài chính quốc tế; trong tương lai không để xảy ra tình trạng "lỗ hổng trắng" trong hệ thống tài chính thế giới.
 
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh cuộc họp cấp cao châu Âu này là một bước nhằm thực hiện "kế hoạch hành động" đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm G-20 tổ chức ở Washington (Mỹ) hồi tháng 11/2008, và kêu gọi các nước lớn ở châu Âu cùng nhau thảo luận về phương hướng và các biện pháp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới, dự định tổ chức vào đầu tháng 4/2009 tại London (Anh)
 
Những đề xuất liên quan tới các biện pháp cải cách hệ thống tài chính quốc tế, đặc biệt là vấn đề quản lý điều chỉnh các thị trường tài chính kể trên, sẽ được lãnh đạo châu Âu đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Nội dung của cuộc hội nghị này là thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay và những bước đi tiến tới xây dựng một cơ chế an toàn cho hệ thống tài chính thế giới./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục