Châu Âu thống lĩnh bảng xếp hạng nhân lực thế giới

Với ưu thế vượt trội về giáo dục, y tế và môi trường thuận lợi, Thụy Sĩ và Phần Lan dẫn đầu bảng xếp hạng tiềm năng người lao động.
Trong báo cáo xếp hạng tiềm năng người lao động của các nước trên khắp thế giới mới công bố, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khẳng định "sức khỏe" của lực lượng lao động là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công kinh tế lâu dài của một quốc gia.

Theo báo cáo Chỉ số nguồn nhân lực 2013 (HCI) của WEF, trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về phát triển nguồn lực con người, tới tám quốc gia nằm ở châu Âu, đứng đầu là Thụy Sĩ và Phần Lan với ưu thế vượt trội về giáo dục, y tế và môi trường thuận lợi.

Singapore là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong tốp đầu với vị trí thứ ba nhờ tỷ lệ tham gia lao động cao và những kỹ năng, kinh nghiệm của nguồn nhân lực cùng khả năng thu hút nhân tài.

Trong danh sách xếp hạng 122 quốc gia này, Canada xếp thứ 10. Cụ thể, Canada đứng thứ 2 về giáo dục, thứ 20 về y tế, thứ 15 về lực lượng lao động và thứ 17 về môi trường.

Trong khi đó, dù được đánh giá cao về khả năng thu hút và giữ chân các nhân tài, Mỹ, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đứng thứ 16 do bị xếp thứ 43 về chăm sóc sức khỏe và y tế vì tỷ lệ người mắc chứng căng thẳng và trầm cảm cao.

Các quốc gia thuộc nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đều không có thứ hạng cao lần lượt là 43, 51, 57, 78 và 86.

Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng 122 nước này là Yemen.

Xếp hạng của WEF được dựa trên bốn tiêu chí: khả năng tiếp cận và công bằng trong giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học; sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân từ nhỏ đến khi trưởng thành; nguồn nhân lực được định lượng trên cơ sở kinh nghiệm, tài năng, đào tạo và kỹ năng; và cuối cùng là các yếu tố môi trường như luật pháp, hạ tầng.

Thông tin để đánh giá tổng hợp từ dữ liệu công bố của những tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục