Châu Âu tiến gần đến việc lập liên minh ngân hàng

Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn việc thành lập cơ quan giám sát ngân hàng ở Eurozone có tên gọi Cơ chế giám sát chung (SSM).
Nghị viện châu Âu ngày 19/3 đã phê chuẩn việc thành lập cơ quan giám sát ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có tên gọi Cơ chế giám sát chung (SSM), đặt dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Đây là một bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc thiết lập một liên minh ngân hàng đầy đủ nhằm ổn định hệ thống tài chính của khu vực.

SSM là yếu tố cốt lõi của liên minh ngân hàng và việc thành lập cơ quan này là bước đi cần thiết để có thể phá vỡ mối quan hệ luẩn quẩn giữa chính phủ và các ngân hàng. Việc thành lập SSM sẽ mở đường để quỹ cứu trợ khu vực có tên gọi Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng có vấn đề, một giải pháp căn bản nhằm giúp Eurozone thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ vốn bắt nguồn một phần từ việc các chính phủ phải ra tay cứu trợ các thiết chế tài chính yếu.

Ban đầu, SSM được thực hiện ở 17 nước thành viên Eurozone, song cũng mở cửa để 10 nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) không sử dụng đồng tiền chung có thể tham gia. Một số chi tiết về SSM sẽ tiếp tục được bàn bạc trước khi các bộ trưởng của EU chính thức thông qua.

Ủy viên EU phụ trách thị trường Michel Barnier cho rằng thỏa thuận là bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới một liên minh ngân hàng thực sự. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí thành lập cơ quan giám sát ngân hàng chung để sau năm 2014 triển khai chương trình bảo hiểm tiền gửi và thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm giải thể hoặc cứu trợ các ngân hàng.

Theo kế hoạch này, ECB sẽ chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng lớn nhất và có mối quan hệ mật thiết với nhau nhất, trong khi các cơ quan giám sát quốc gia sẽ đảm trách các ngân hàng còn lại. Tuy nhiên, ECB sẽ có quyền can thiệp vào bất kỳ ngân hàng ở bất kỳ nước thành viên nào nếu thấy cần thiết.

Nghị viện châu Âu quyết định phê chuẩn việc thành lập SSM chỉ vài giờ trước khi Quốc hội Síp bỏ phiếu đối với thỏa thuận cứu trợ dành cho nước này. Quốc đảo này đã trở thành ví dụ mới nhất cho việc các ngân hàng đã trở thành gánh nặng cho chính phủ như thế nào.

Síp đã phải xin cứu trợ khi các ngân hàng, với bản quyết toán lớn gấp 8 lần sản lượng kinh tế đạt 18 tỷ euro (23,3 tỷ USD) hàng năm của nước này, gặp khó khăn và cần bơm 10 tỷ euro vốn, một yêu cầu mà chính phủ không thể đáp ứng.

Yêu cầu đánh thuế tiền gửi ngân hàng mà các nhà tài trợ đặt ra cho Síp đã làm tổn hại lòng tin của nhà đầu tư đối với hệ thống ngân hàng châu Âu. Tình hình của Síp đã nhắc nhở các nhà đầu tư rằng hệ thống ngân hàng của khu vực vẫn yếu và dễ bị lung lay, và sẽ là một chặng đường dài để khu vực tạo lập được một hệ thống ngân hàng thống nhất, hoạt động với những nguyên tắc chung và được hỗ trợ bằng chương trình bảo hiểm tiền gửi trên toàn châu Âu.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục