Châu Âu tìm lối vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba

Việc Đức mở cửa trường học trở lại vào tuần cuối tháng Hai, sau hai tháng bắt buộc phải học trực tuyến, được coi như sự bắt đầu của lối thoát cuối đường hầm.
Châu Âu tìm lối vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Praha, Cộng hòa Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi một số quốc gia Tây Âu đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội thì Pháp và Séc lại có xu hướng siết chặt.

Theo biểu đồ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây, hầu hết các quốc gia Tây Âu ghi nhận mức giảm hoặc ổn định, từ 100 đến 200 ca nhiễm/ngày trên một triệu dân. Tuy nhiên, con số này lên đến khoảng 300 ca tại Pháp và hơn 600 ca tại Séc.

Trước sự đe dọa của làn sóng dịch bệnh thứ ba, chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 được tăng cường ở tất cả các quốc gia châu Âu.

Việc Đức mở cửa trường học trở lại vào tuần cuối tháng Hai, sau hai tháng bắt buộc phải học trực tuyến, được coi như sự bắt đầu của lối thoát cuối đường hầm. Tuy nhiên, giới chức y tế Đức vẫn tỏ ra thận trọng trước sự lây lan mạnh của các biến thể virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn nhấn mạnh rằng Đức vẫn “đang ở trong làn sóng thứ ba" của dịch bệnh. Trong bối cảnh các bang đang chuẩn bị kế hoạch để dần dần trở lại bình thường, Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các bang dự kiến họp vào ngày 3/3 để quyết định các biện pháp nới lỏng mới.

Trên thực tế, hiện có hai luồng ý kiến đối lập. Các hiệp hội y tế rất quan ngại về sự lây lan của các biến thể mới, đã kêu gọi nhà chức trách duy trì ít nhất cho đến ngày 1/4 các biện pháp hiện tại, bao gồm đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và cấm đón tiếp nhiều hơn một người khách tại nhà.

Chủ tịch Hội Nhân viên cấp cứu Đức Gernot Marx cảnh báo nếu không duy trì các biện pháp hiện tại, làn sóng thứ ba sẽ rất khó khăn "nếu không muốn nói là không thể kiểm soát." Ông nhận định nếu các hạn chế được dỡ bỏ từ ngày 7/3 như kế hoạch của chính phủ, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cần chăm sóc đặc biệt có thể lên đến 25.000 người vào khoảng giữa tháng Năm, so với mức 2.900 người hiện nay.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo, thường là cấp bang, ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Nhất là ở Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate, hai bang dự kiến tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 14/3, kết quả lá phiếu dường như phụ thuộc vào thái độ của các chính trị gia trước sự mệt mỏi của người dân và tình trạng bế tắc của các lĩnh vực thương mại, khách sạn và nhà hàng.

Đức hiện đứng trước hai áp lực lớn. Quốc gia này đang tụt lại phía sau trong lĩnh vực xét nghiệm COVID-19. Mặc dù đứng đầu châu Âu về xét nghiệm đại trà trong làn sóng dịch đầu tiên vào mùa Xuân 2020, điều đã cho phép Đức vượt qua với hậu quả ít nặng nề hơn so với hầu hết các nước láng giềng, nhưng Đức hiện tại chỉ thực hiện được 2 xét nghiệm/ngày/1.000 dân, so với 5 xét nghiệm ở Pháp và 24 xét nghiệm ở Áo.

Áp lực thứ hai là tiêm chủng. Không như vào tháng Một, tình trạng thiếu vắcxin không còn là nguyên nhân duy nhất khiến số người được tiêm chủng rất thấp ở Đức, nơi chỉ 4,2% dân số được tiêm mũi đầu tiên. Lý do là số lượng lớn vắcxin AstraZeneca không được sử dụng, cho dù luôn sẵn có.

Theo số liệu chính thức của chính phủ, Đức mới chỉ dùng 238.000 liều vắcxin này cho những người dưới 65 tuổi, trong số hơn 1,4 triệu liều đã được chuyển giao.

Châu Âu tìm lối vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba ảnh 2Người dân thư giãn bên dòng kênh Landwehr ở Berlin, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại ở Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngược lại với Đức, hơn 30% dân số Anh đã được tiêm liều vắcxin đầu tiên. Nhờ chiến dịch tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng trên diện rộng từ cuối năm 2020, Anh đã đạt được nhiều kết quả tốt trong cuộc chiến chống COVID-19, với số ca nặng phải nhập viện giảm rõ rệt. Vì vậy, lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 4/1 sẽ từng bước được dỡ bỏ. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường sẽ không ngay lập tức trở lại như mong đợi cho đến cuối tháng Sáu.

Các trường học được mở cửa trở lại từ ngày 8/3, sau 10 tuần dừng hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động thể thao ngoài trời như tennis và golf, hoặc các cuộc gặp gỡ bạn bè tối đa sáu người ở trong công viên công cộng hoặc vườn nhà, chỉ được cho phép vào đầu tháng Tư.

Các cửa hàng không thiết yếu, bảo tàng, thư viện công cộng và tiệm làm tóc, cũng như quán bar và nhà hàng có thể được mở cửa vào giữa tháng Tư. Mặt khác, sẽ phải đợi ít nhất đến ngày 17/5 để đưa vào hoạt động nhà hát, rạp chiếu phim và thậm chí cả sân vận động trong giới hạn 10.000 khán giả. Xa hơn nữa, sớm nhất là sau ngày 21/6, người Anh mới có thể gặp gỡ nhau mà không có bất kỳ hạn chế nào.

[Các nước Trung và Đông Âu đối phó làn sóng dịch bệnh mới]

Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 120.000 người ở Anh và Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng mối đe dọa vẫn "nghiêm trọng", cho dù kết quả một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy vắcxin Pfizer làm giảm nguy cơ nhập viện đến 85% trong bốn tuần sau liều đầu tiên, của AstraZeneca lên đến 94%.

Hiện nay tất cả các chỉ số - số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và số ca tử vong, đang giảm từng ngày. Đây là kết quả của đợt phong tỏa lần ba từ đầu năm, giúp ngăn chặn sự tiến triển của virus và biến thể, cho phép các bệnh viện tăng khả năng cầm cự.

Cũng nhờ vào chiến dịch tiêm chủng, hơn 17,58 triệu người dân Anh đã có thể tiêm ít nhất một liều vắcxin, song mới có 615.148 người được tiêm mũi thứ hai. Đây thực sự là một thành công, cho dù chiến lược tiêm chủng của Anh bị các nước láng giềng châu Âu chỉ trích, bao gồm kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm lên đến 12 tuần so với ba tuần theo khuyến cáo của nhà sản xuất và sử dụng vắcxin AstraZeneca cho tất cả lứa tuổi, trong khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tin tưởng dùng cho người trên 65 tuổi.

Tại Italy, mối đe dọa của làn sóng COVID-19 thứ ba buộc chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi phải tăng cường các biện pháp chống dịch, với ưu tiên là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắcxin. Chính quyền trung ương sẽ điều phối các kế hoạch vùng, với mục tiêu tiêm cho 300.000 người mỗi ngày.

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những biến thể virus có khả năng lây lan nhanh hơn, việc siết chặt các quy tắc phòng chống dịch sẽ được áp dụng khác nhau theo khu vực sau khi đánh giá mức độ, từ an toàn đến rủi ro cao. Lệnh cấm đi lại giữa các vùng địa lý được duy trì cho đến lễ Phục sinh vào đầu tháng Tư. Quán bar và nhà hàng vẫn phải đóng cửa, song nhà hát và rạp chiếu phim có thể mở cửa trở lại trong các khu vực được xếp loại rủi ro thấp từ ngày 27/3.

Châu Âu tìm lối vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba ảnh 3Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng với Hy Lạp, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đang khẩn trương tiến hành dự án hộ chiếu vắcxin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc du lịch an toàn trong mùa Hè tới.

Thủ tướng Pedro Sánchez nhấn mạnh mục tiêu đưa ngành du lịch trở lại bình thường mà không làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thông báo của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc nối lại các chuyến du lịch quốc tế từ ngày 17/5 đã đem lại tia hy vọng, khi tạo ra kỷ lục về đặt phòng của người Anh với mức tăng 500% trong 48 giờ tại Bernidorm, địa điểm ưa thích của du khách Anh bên bờ biển Địa Trung Hải.

Các công đoạn chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng đang được thực hiện ráo riết ở Tây Ban Nha, nơi COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 69.000 người. Các sân vận động, đấu trường đấu bò tót, phòng biểu diễn, bãi đỗ xe, nhà thờ, phòng tập thể dục… đều trở thành các địa điểm tiêm phòng.

Chính phủ Tây Ban Nha hy vọng sẽ tiêm chủng cho 15-20 triệu trong tổng số 47 triệu dân vào cuối tháng Năm, nếu việc cung ứng vắcxin diễn ra theo đúng kế hoạch.

Sự chậm trễ của nguồn cung từ EU đã khiến Cộng hòa Séc, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, quyết định đặt hàng vắcxin Sputnik V của Nga cũng như xem xét việc sử dụng vắcxin do hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất.

Cả hai loại vắcxin trên đều không được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép, song Thủ tướng Andrej Babis đã tuyên bố rằng “Tất cả những gì chúng tôi cần là con dấu của Cơ quan Quản lý thuốc quốc gia Séc."

Cộng hòa Séc là quốc gia đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 14 ngày qua và đứng thứ hai sau nước láng giềng Slovakia về số ca tử vong. Tốc độ tiêm chủng đang diễn ra chậm hơn dự kiến ở đất nước 10,7 triệu dân này, với khoảng 650.000 liều đã được tiêm. Pháp đã cam kết gửi đến Séc 100.000 liều vắcxin Pfizer/BioNTech, bên cạnh 5.000 liều Moderna từ Israel và 15.000 liều có thể là AstraZeneca từ Đức.

Cùng với Séc, Pháp đang đứng bên “bờ vực” khi số ca nhiễm mới hằng ngày hiện tăng mạnh so với thời gian trước, với tỷ lệ khoảng 300 ca trên 100.000 dân, 50% số ca tại vùng thủ đô Ile-de-France nhiễm biến thể dễ lây lan phát hiện tại Anh.

Trước đó, nhờ quyết định phong tỏa quốc gia sớm ngay từ đầu tháng 11/2020 và kéo dài sáu tuần, Chính phủ Pháp đã giúp người dân tránh được một kỳ nghỉ lễ đón Năm mới buồn bã như nhiều quốc gia láng giềng. Song trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới hiện nay, Chính phủ Pháp đang làm hết khả năng để không phải phong tỏa quốc gia lần thứ ba, mà nhằm vào những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bắt đầu từ ngày 27/2, các thành phố ven biển Dunkerque (miền Bắc) và Nice (miền Nam) áp dụng biện pháp phong tỏa trong hai ngày cuối tuần, nhằm tránh những đám đông tụ tập quá đông bên bờ biển đón ánh nắng Mặt Trời ấm áp của mùa Xuân.

Theo Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jérôme Salomon, lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h trên toàn quốc đang "hoạt động rất tốt." Song ông không loại trừ khả năng bổ sung các biện pháp siết chặt trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Đến nay, năng lực xét nghiệm COVID-19 của Pháp đạt 300.000 lượt/ngày. Hơn 2,6 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắcxin. Tốc độ tiêm chủng được thúc đẩy để đạt mục tiêu đến giữa tháng năm, tất cả những người trên 50 tuổi sẽ được nhận mũi đầu tiên.

Làn sóng dịch bệnh thứ ba chưa kết thúc ở châu Âu. Giấc mơ về một thế giới không COVID-19 vẫn còn quá xa vời. Mục tiêu trước mắt là chung sống với virus, vì không một quốc gia nào có thể kéo dài vô thời hạn những biện pháp hạn chế làm suy yếu nền kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, cũng như tương lai của con trẻ.

Châu Âu dự kiến sẽ nghiên cứu đề xuất về giấy thông hành COVID-19, nhằm tạo điều kiện di chuyển nội khối và cứu vãn mùa du lịch Hè sắp tới. Dự án này, đang gây tranh cãi, sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn khi chiến dịch tiêm chủng phát triển đồng đều tại các quốc gia thành viên.

Cũng vì mục tiêu này mà Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế Stella Kyriakides đã thúc giục các quốc gia tăng tốc tiêm chủng, đồng thời đẩy mạnh việc sàng lọc và giải mã trình tự bộ gene của virus SARS-CoV-2 nhằm giám sát chi tiết hơn các biến thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục