Châu Âu triển khai nhiều biện pháp ứng phó làn sóng nhập cư

Slovenia thuê các doanh nghiệp an ninh tư nhân quản lý dòng người nhập cư, trong khi đó, 50 cảnh sát CH Séc đã được điều tới Hungary để bảo vệ biên giới chung của Khối Schengen.
Châu Âu triển khai nhiều biện pháp ứng phó làn sóng nhập cư ảnh 1Người di cư di chuyển tới trại tị nạn ở Rigonce, gần biên giới với Croatia ngày 26/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhà chức trách Slovenia đã quyết định thuê các doanh nghiệp an ninh tư nhân để giúp quản lý dòng người nhập cư và tị nạn hiện lên đến hàng chục nghìn người muốn đi qua quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này để đến Bắc Âu.

Ông Boštjan Šefic, Thư ký Bộ Nội vụ Slovenia, cho biết khoảng 50-60 nhân viên an ninh tư nhân sẽ hỗ trợ cảnh sát ở những thời điểm cần thiết.

Đây là một trong những biện pháp mới nhất mà chính phủ Slovenia triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình giúp người di cư hoàn tất các thủ tục xin tị nạn để giảm tải cho các lực lượng an ninh và chính quyền các vùng biên giới.

Ngoài ra, một số biện pháp khác như giúp người di cư đăng ký tị nạn ngay trên các chuyến tàu đến từ Croatia, điều động các đơn vị hải quan tới các trung tâm tạm trú tị nạn và thuê thêm 200 người phục vụ tại các trung tâm này cũng sẽ sớm được áp dụng.

Các biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh trong 10 ngày qua hơn 76.000 người từ Croatia đã tới Slovenia - quốc gia nhỏ bé nhất trên tuyến đường di cư Balkan.

Riêng ngày 26/10, đã có hơn 9.000 người đến Slovenia tìm đường sang Áo, trong khi dòng người từ Croatia và Serbia vẫn tiếp tục đổ đến Slovenia.

Thủ tướng Slovenia Miro Cerar mô tả cuộc khủng hoảng người nhập cư là thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối phó lúc này.

Ông cảnh báo nếu không tìm được một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng, khối liên minh này sẽ bắt đầu đổ vỡ.

Slovenia trước đó đã phải huy động cả quân đội để hỗ trợ cảnh sát xử lý vấn đề người di cư. Trong khi đó, các nước EU khác cam kết gửi tổng cộng 400 cảnh sát đến Slovenia trong tuần này để giúp nước chủ nhà đối phó với dòng người di cư và tị nạn.

Phát biểu sau cuộc họp chính phủ ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc Martin Stropnicky cho biết quốc gia này đang xem xét cử một đội hỗ trợ y tế, các lán trại tạm, xe vận chuyển và các bếp ăn cơ động tới Slovenia.

Trên thực tế, Cộng hòa Séc đã có những hỗ trợ tương tự đối với Hungary nhằm giúp quốc gia này bảo vệ an ninh biên giới.

Dự kiến từ ngày 1/11, khoảng 50 cảnh sát Séc sẽ được điều tới Hungary làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới chung của Khối Schengen.

Trong chuyến thăm Jordan ngày 24-25/10, Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka đã đến thăm trại tị nạn Zaatari, một trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới với khoảng 80.000 người.

Cộng hòa Séc hiện là một trong những nước cung cấp tài trợ chính cho trại tị nạn này. Thủ tướng Sobotka cũng cho biết ông có kế hoạch thảo luận với lãnh đạo Jordan và đại diện các tổ chức nhân đạo về cách thức cơ cấu một cách hiệu quả khoản hỗ trợ tài chính của Séc cho Jordan trị giá khoảng 100 triệu koruna (khoảng 4 triệu USD) trong năm tới.

Ông Sobotka cho rằng Jordan vẫn có khả năng kiềm chế những sức ép liên quan đến khủng bố cũng như dòng người di cư từ Syria đang đổ tới nước này - khoảng 700.000 người.

Từ năm 2012 đến 2014 Séc đã trợ giúp tài chính cho Jordan 30 triệu koruna ( khoảng 1,2 triệu USD), trong năm nay hỗ trợ 45 triệu koruna (1,7 triệu USD).

Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp về tài chính, Cộng hòa Séc cũng sẽ lập quỹ học bổng và các hỗ trợ y tế đối với người tị nạn ở Jordan.

Liên quan vấn đề người di cư, các chuyên gia an ninh và nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực trạng gia tăng các hoạt động buôn người trong bối cảnh dòng người di cư từ Trung Đông đổ về châu Âu.

Mối quan ngại trên là điểm chung trong các báo cáo của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) đưa ra trong sự kiện được tổ chức tại Athens (Hy Lạp) kỷ niệm ngày châu Âu chống nạn buôn người với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Theo các chuyên gia, các nhóm buôn người ngày càng tinh vi và khéo léo, vì vậy việc cần thiết lúc này là tăng cường hiểu biết cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống buôn người như các cơ quan an ninh, bác sỹ, cơ quan hành pháp và khuyến khích mọi đối tượng tham gia cuộc chiến chống buôn người.

Ngoài ra, cần lập các đơn vị hỗ trợ gần khu vực xảy ra chiến sự và xung đột nhằm ngăn chặn dân cư ở các khu vực này tha hương và trở thành mục tiêu cho các nhóm buôn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục