Châu Âu cũng lo lắng

Châu Âu trước những đe dọa do biến đổi khí hậu

Giới chuyên gia châu Âu nhắc lại đợt nắng nóng bất thường vào mùa hè năm 2003 làm cho 70.000 dân, đa số là người cao tuổi, tử vong.
Nhân Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch), các chuyên gia châu Âu về môi trường đã cảnh báo rằng, mặc dù là một châu lục có nhiều lợi thế nhất về địa lý tự nhiên cũng như xã hội vì nằm ở vùng ôn đới, mưa thuận gió hòa, khí hậu mát mẻ, lại là những nước phát triển có đủ nhân tài vật lực để đối phó với biến đổi khí hậu, châu Âu vẫn không tránh được tác hại của hiệu ứng nhà kính vì nhiệt độ ở châu Âu tăng nhanh hơn các nơi khác.

Giới chuyên gia châu Âu về khí hậu và môi trường đã nhắc lại đợt nắng nóng bất thường vào mùa hè năm 2003 làm cho 70.000 dân, đa số là người cao tuổi, tử vong.

Tình trạng nhiệt độ nóng bất thường có thể sẽ tái diễn từ nay đến cuối thế kỷ với nhịp độ đáng sợ là hai năm một lần.

Tuy là vùng ôn đới, nhưng mỗi lần nhiệt độ trung bình trên Trái Đất tăng thêm 0,8 độ C thì châu Âu lên thêm 1,1 độ, có khi cách biệt đến 6 độ so với nhiệt độ thay đổi tại Bắc cực.

Theo thẩm định của Cơ quan châu Âu về môi trường (AEE) thì từ Greenland ở cực Bắc châu Âu đến Hy Lạp ở cực Nam, nhiệt độ tăng mạnh nhất tại Nam Âu, Trung Âu và Phần Lan.

Những đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C cách đây 6 năm là tín hiệu báo trước châu Âu sẽ nếm mùi oi bức của khí hậu châu Phi trong tương lai không xa.

Theo một nghiên cứu đã được công bố của AEE, sự biến đổi của khí hậu sẽ chia châu Âu thành hai vùng bị ảnh hưởng khác nhau. Miền Nam dọc theo bờ Địa Trung Hải bị khô cằn với nhiều nơi bị sa mạc hóa. Miền Bắc, mưa lũ xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông sẽ gây tình trạng ngập lụt.

Dự báo này dựa trên thực tế đã xảy ra hồi mùa hè 2008 với thiên tai hạn hán tại Tây Ban Nha và thảm họa lũ lụt tại Anh.

Vấn đề nước sẽ là mối lo chung của toàn châu Âu trong tương lai bởi biến đổi khí hậu sẽ tăng thêm áp lực lên các vùng bị khó khăn vì thiếu nước, nhất là châu Âu lại có thói quen tiêu thụ nước trên khả năng mà thiên nhiên có thể cung cấp.

Một trong những nguồn nước thiên nhiên của nhiều quốc gia châu Âu là tuyết trên dãy núi Alps. Nhưng dãy núi này bị hâm nóng nhanh gần gấp đôi so với nhiệt độ trung bình của châu lục, tăng 1,48 độ C trong vòng một thế kỷ.

Các chuyên gia dự đoán, nếu tăng 2 độ thì gần như một phần ba các trung tâm trượt tuyết phải đóng cửa. Khi đến giai đoạn này thì lưu lượng sông ngòi sẽ thay đổi hẳn: nước chảy thật nhanh vào mùa xuân làm tăng nguy cơ lụt lội ở Đức và Hà Lan. Và đến mùa hè thì các con sông ở Áo sẽ khô cạn.

Nông nghiệp các nước Nam châu Âu hiện tiêu thụ từ 60% đến 80% nguồn nước ngọt lúc đó sẽ lâm vào khó khăn.

Viện Nghiên cứu triển vọng thế giới Địa Trung Hải (Ipemed) của Pháp cảnh báo nếu không có đủ nguồn cung cấp nước thì nhiều cánh đồng lúa mì ở vùng Địa Trung Hải có thể sẽ biến mất. Nguy cơ thứ hai là vùng ven biển Địa Trung Hải và Biển Bắc sẽ bị nước biển xâm lấn khi mực nước biển dâng cao thêm từ 70cm đến 1m.

Cơ quan này cũng dự đoán nhiều bãi cát vàng từ Barcelona (Tây Ban Nha) đến thành phố Marseille miền Nam nước Pháp sẽ biến mất.

Dãy bình nguyên của Hà Lan cũng như Thủ đô London của Anh sẽ đương đầu với nhiều bất trắc vì những biến đổi ở Biển Bắc.

Cơ quan châu Âu về môi trường còn không loại trừ khả năng sẽ phải cảnh báo cư dân ở các vùng duyên hải châu Âu di cư do lụt vì nước biển xâm lấn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục