Châu Âu trước những hệ lụy của suy thoái kinh tế

Làn sóng biểu tình, bãi công đang diễn ra khắp châu Âu do người lao động bất bình trước những hệ lụy của suy thoái kinh tế.
Châu Âu đang trải qua một "mùa Đông của bất bình" với tình trạng biểu tình tràn lan giống như nước Anh hồi những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước.

Làn sóng biểu tình, bãi công đang diễn ra khắp châu Âu do người lao động bất bình trước những hệ lụy của suy thoái kinh tế.

Chính phủ và các công ty tư nhân áp dụng chính sách tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu dẫn đến cắt giảm lương, sa thải nhân công hàng loạt và cắt giảm phúc lợi xã hội.

Niềm tin của người dân châu Âu càng trở nên tồi tệ hơn khi báo chí tràn ngập tin về cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mervyn King hôm 23/2 đã lên tiếng cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế châu Âu đang "chững lại". Ông cũng thừa nhận điều này tác động xấu đến kinh tế Anh vì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh là EU.

Trong ngày 24/2 một cuộc biểu tình lớn đã làm tê liệt cả Hy Lạp trong khi đó đình công tại các sân bay của Pháp và các nhà máy dầu cũng như biểu tình của phi công hãng hàng không quốc gia Lufthansa cho thấy làn sóng bất bình với chính phủ và giới chủ lên cao nhất tại lục địa này trong 40 năm qua.

Kinh tế sản xuất hàng hóa của châu Âu chưa thực sự thoát khỏi cơn suy thoái với tình trạng thất nghiệp gia tăng và việc cắt giảm mạnh phúc lợi xã hội.

Hiện nay, tình trạng biểu tình mạnh mẽ nhất tại châu Âu là ở Hy Lạp. Người dân lớn tiếng phản đối những nỗ lực của Thủ tướng George Papandreou nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong khi phái đoàn của EU và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đang có những cuộc thảo luận với chính phủ Hy Lạp về các kế hoạch nhằm kiềm chế chi tiêu của chính phủ vì Hy Lạp là nước vi phạm nghiêm trọng về quy định ngân sách của EU.

Hy Lạp đang chịu sức ép để cắt giảm thâm hụt ngân sách 12,7% hiện ở mức cao nhất trong khối sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trong số các nước có mức thâm hụt ngân sách lớn như Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha thì Tây Ban Nha đối mặt với làn sóng phản đối quyết liệt nhất của người dân trước những kế hoạch của chính phủ để kiểm soát được tài chính công.

Nhiều nhà quan sát lo ngại tình trạng khủng hoảng ngân sách của Tây Ban Nha còn tồi tệ hơn của Hy Lạp, đơn giản là vì kinh tế Tây Ban Nha lớn gấp năm lần so với kinh tế Hy Lạp. Do đó, các nguồn hỗ trợ từ các nước thành viên giàu có trong Eurozone như Đức vẫn không đủ để có thể cứu vãn được nước này.

John Monks, Tổng thư ký của Tổng liên đoàn lao động châu Âu hôm 23/2 cảnh báo các liên đoàn lao động trên khắp châu Âu đang tổ chức các cuộc biểu tình, đình công để phản đối những kế hoạch tiết kiệm chi tiêu của chính phủ mà theo quan điểm của những người hoạt động công đoàn đứng về mặt xã hội là điều không thể chấp nhận được.

Việc cắt giảm chi tiêu, trong đó gồm cả chi phí lao động, sẽ chỉ làm cơn suy thoái kinh tế tại châu lục tồi tệ hơn do nạn thất nghiệp gia tăng.

Trong thời kỳ kinh tế tương đổi ổn định ở thập kỷ đầu khi sử dụng đồng tiền euro, những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh như Tây Ban Nha được lợi thế khi gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu như mức lãi suất thấp. Tuy nhiên, những nước này lại để cho giá cả và chi phí của họ dần dần tăng khiến cho nền kinh tế của các nước đó trở nên không có sức cạnh tranh khi so với những nền kinh tế giàu có và lớn trong khối euro như Đức.

Thông thường khi mức giá cả và chi phí xảy ra hiện tượng chênh lệch giữa các nền kinh tế thì sẽ được xử lý bằng cách phá giá đồng tiền, nhưng các thành viên trong khối sử dụng đồng euro đã xóa bỏ khả năng linh hoạt đó.

Do vậy các nước như Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha và một số nước khác đang trải qua tình trạng "phá giá tự bên trong" theo như cách gọi của các nhà kinh tế, cắt giảm mức lương và chi phí, và nếu như cần thiết sẽ để cho thất nghiệp tăng mạnh.

Vấn đề này được nhà kinh tế học được giải Nobel Joseph Stiglitz đưa ra nhận xét các chính sách thiểu phát đã đe dọa làm cho kinh tế còn đi xuống hơn, gây ra tình trạng khủng hoảng ngân sách cấp bách do thu thuế bị sụt giảm và tiền trả cho người thất nghiệp tăng lên.

Một vấn đề khác nữa làm giảm độ tin tưởng của thị trường đối với khả năng xử lý của các chính phủ này là do thiếu chức năng hoạt động theo kiểu kho bạc trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, giúp bổ trợ cho ngân hàng trung ương châu Âu.

Những nước gặp khó khăn tài chính như Hy Lạp sẽ rất ít có sự lựa chọn, và phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF - đây thực sự là một thất bại bẽ bàng cho những ai tham vọng tin vào hội nhập chính trị và kinh tế của châu Âu./.

Diễm Quỳnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục