Châu Âu vẫn bất đồng về chiến lược đối với Nga

Mặc dù lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã đạt được sự đồng thuận "hiếm hoi" trong nhiều vấn đề chủ chốt tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga lần thứ 22, diễn ra ngày 14/11 tại Pháp, song theo giới phân tích, đây là cuộc gặp gây chia rẽ trong nội bộ EU, bởi các nước thành viên khối này vẫn bất đồng về chiến lược với Mátxcơva.

Mặc dù lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã đạt được sự đồng thuận "hiếm hoi" trong nhiều vấn đề chủ chốt tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga lần thứ 22, diễn ra ngày 14/11 tại Pháp, song theo giới phân tích, đây là cuộc gặp gây chia rẽ trong nội bộ EU, bởi các nước thành viên khối này vẫn bất đồng về chiến lược với Mátxcơva.
 
Theo báo Pháp "L'Express", vai trò trung gian mà EU đảm nhận sau cuộc xung đột Nga-Gruzia hồi tháng 8 vừa qua, nay đang đặt khối này vào một tình thế nan giải.
 
Một số quốc gia thành viên chủ chốt của EU, như Pháp, Đức và Italy, có vẻ muốn "đặt sang một bên" cuộc xung đột vừa qua ở vùng Kavkaz để "bắt tay" với Mátxcơva, bởi Nga không chỉ là nguồn cung cấp dầu khí chủ yếu cho EU, mà còn là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của khối này, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
 
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU giữa tháng 10 vừa qua, ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối, đã tỏ ý muốn mở lại các cuộc thương lượng với Mátxcơva về quan hệ đối tác tương lai Nga-châu Âu.
 
Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên khác của EU, như các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Điển và Anh.
 
Các quốc gia này tuyên bố chỉ đồng ý nối lại đàm phán với Nga, khi Mátxcơva rút lại quyết định công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia, là Nam Ossetia và  Abkhazia, đồng thời rút quân Nga khỏi khu vực xung đột và giảm quân số trở lại mức như trước đây.
 
Các nước kể trên cũng đòi phải triển khai quan sát viên châu Âu ngay bên trong các vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, chứ không phải chỉ bố trí ở khu vực xung quanh hai vùng này.
 
Giới quan sát nhận định rằng chính những bất đồng giữa các nước EU về chiến lược với Nga đã khiến EU, trong khi xúc tiến đẩy mạnh quan hệ với Nga, vẫn đang tiếp tục "theo dõi và giám sát" thái độ của Mátxcơva./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục