Châu Phi bắt đầu chiến dịch tiêm vắcxin phòng sốt rét lớn nhất lịch sử

Theo kế hoạch, khoảng 360.000 trẻ em tại Malawi, Ghana và Kenya sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm thử nghiệm vắcxin Mosquirix phóng chống sốt rét, dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2022 này.
Các em nhỏ mắc sốt rét và suy dinh dưỡng tại trung tâm y tế của Tổ chức bác sỹ không biên giới (MSF) ở Guidan-Roumdji, Niger. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các em nhỏ mắc sốt rét và suy dinh dưỡng tại trung tâm y tế của Tổ chức bác sỹ không biên giới (MSF) ở Guidan-Roumdji, Niger. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 23/4, Malawi là quốc gia đầu tiên tại châu Phi bắt đầu tiến hành đợt tiêm chủng thử nghiệm Mosquirix - một loại vắcxin phòng bệnh sốt rét hoàn toàn mới.

Loại vắcxin hoạt động theo cơ chế chủ động kích hoạt hệ miễn dịch này được hy vọng sẽ giúp ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm hàng năm lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người tại Lục địa Đen.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết theo kế hoạch, khoảng 360.000 trẻ em tại Malawi, Ghana và Kenya sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm thử nghiệm dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2022 này.

Đây cũng được xem là đợt tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sốt rét lớn nhất trên thế giới từ trước tới này.

Được đặt tên thương mại Mosquirix, loại vắcxin phòng bệnh sốt rét mới này do hãng dược phẩm nổi tiếng của Anh GlaxoSmithKline phát triển cùng sự phối hợp của Path Malaria Vaccine Initiative – một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống sốt rét. GlaxoSmithKline đã dành 30 năm để nghiên cứu phát triển loại vắcxin này với tổng chi phí lên tới 1 tỷ USD.

Mosquirix hoạt động theo cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của ký sinh trùng sốt rét ngay tại thời điểm chúng bắt đầu xâm nhập vào hệ tuần hoàn của con người.

[Cảnh báo tình trạng ký sinh trùng sốt rét tồn tại trong máu dự trữ]

Kết quả thử nghiệm ban đầu đối với 15.000 người tình nguyện tại 7 quốc gia cho thấy Mosquirix đã làm giảm khả năng xâm nhập của ký sinh trùng sốt rét tới trên 40%.

Theo WHO, mặc dù Mosquirix chưa thể ngăn ngừa hoàn toàn sự xâm nhập của ký sinh trùng sốt rét, nhưng đây là loại vắcxin được đánh giá là tiên tiến và có hiệu quả cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Trước đó, tháng 8/2018, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp chứng nhận cho loại thuốc mới có tên khoa học Tafenoquine chuyên điều trị bệnh sốt rét tái phát.

Để chữa được bệnh sốt rét tái phát, bệnh nhân chỉ cần một liều thuốc Tafenoquine duy nhất. Trong khi đó, loại thuốc Primaquine được sử dụng phổ biến trước đó cần dùng trong ít nhất 14 ngày để có kết quả tương tự.

Nhằm đạt được Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDGs), trong đó có tiêu chí một thế giới không có bệnh sốt rét, WHO đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa sổ bệnh sốt rét ở ít nhất 35 quốc gia, giảm ít nhất 90% tỷ lệ mắc và tử vong, đồng thời ngăn chặn bệnh sốt rét xuất hiện ở các nước không có sốt rét.

Mặc dù một trong những loại ký sinh trùng gây sốt rét là Plasmodium vivax tồn tại bên ngoài khu vực châu Phi cận Sahara, "Lục địa Đen" có tỷ lệ bệnh nhân sốt rét cao nhất thế giới, khoảng 90% tổng số ca mắc và 92% số ca tử vong do sốt rét.

Theo WHO, hàng năm, châu Phi phải chi hơn 12 tỷ USD để chữa trị sốt rét, tương đương khoảng 40% chi tiêu y tế của một quốc gia.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng từ 300-500 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh sốt rét và có khoảng 1 triệu người tử vong vì bệnh này.

Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục